Thanh tra 20 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội

21/03/2023 8:23 AM

(Chinhphu.vn) - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa công bố các quyết định thanh tra doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn thành phố. Đây là đợt công bố quyết định thanh tra liên ngành về BHXH đầu tiên của thành phố Hà Nội trong năm 2023.

Thanh tra 20 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Đại diện các đơn vị nợ đóng BHXH (bên trái) ký nhận quyết định công bố thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo đó, 3 đoàn thanh tra liên ngành của Thành phố do Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 20 đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động từ ngày 1/1/2022 đến thời điểm thanh tra.

Thời gian thanh tra bắt đầu từ ngày 21/3 đến hết ngày 29/3/2023. Căn cứ vào kết quả thanh tra, tùy theo mức độ, Đoàn tranh tra liên ngành sẽ đưa ra biện pháp xử lý tại chỗ hoặc đề xuất phương án xử lý với cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm của các đơn vị, doanh nghiệp.

Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Võ Thị Ngọc Yến cho biết, điểm mới của hoạt động thanh tra dịp này là lực lượng chức năng yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp khắc phục ngay, triệt để những vấn đề tồn tại. Với số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các đơn vị, doanh nghiệp cần hoàn thành dứt điểm 100%, không có chuyện khắc phục dần từng phần như trước đây.

Thống kê của BHXH thành phố Hà Nội cho thấy, với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, công tác đôn đốc thu, giảm tình trạng chậm đóng BHXH đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, cộng dồn đến thời điểm hết tháng 2/2023, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội vẫn ghi nhận 87.000 đơn vị chậm đóng BHXH với tổng số tiền là 5.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.552 tỷ đồng so với thời điểm 31-12-2022. Trong đó, tỷ lệ chậm đóng BHXH phải tính lãi hiện nay là gần 1.875 tỷ đồng, bằng 2,92% so với tổng số tiền cần thu; chậm đóng kéo dài từ 12 tháng trở lên là hơn 1.716 tỷ đồng, bằng gần 31% tổng số nợ hiện hữu…

Theo số liệu báo cáo của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), số tiền chậm đóng, nợ đóng BHXH trong thời gian gần đây liên tục tăng theo từng năm. Nếu như năm 2017, con số này là 9,7 nghìn tỷ đồng, năm 2019 trên 10 nghìn tỷ đồng, năm 2020 là 11,6 nghìn tỷ đồng thì tính đến cuối tháng 1/2023 đã là gần 26 nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng tại Hà Nội, cộng dồn đến thời điểm hết tháng 2-2023, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội vẫn ghi nhận 87.000 đơn vị chậm đóng BHXH với tổng số tiền là 5.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.552 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022. Trong đó, tỷ lệ chậm đóng BHXH phải tính lãi hiện nay là gần 1.875 tỷ đồng, bằng 2,92% so với tổng số tiền cần thu; chậm đóng kéo dài từ 12 tháng trở lên là hơn 1.716 tỷ đồng, bằng gần 31% tổng số nợ hiện hữu…

Một trong các giải pháp được các cơ quan BHXH áp dụng hiện nay để thu hồi số nợ trên là công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo các chuyên gia đánh giá, nếu không nhanh chóng đồng bộ luật pháp để xử lý hành vi trốn đóng BHXH, số doanh nghiệp chây ì sẽ tiếp tục tăng, số lao động chịu thiệt thòi khi không được hưởng chế độ sẽ không dừng lại và niềm tin vào hệ thống an sinh - xã hội sẽ bị lung lay.

Chính vì vậy, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất bổ sung một số biện pháp theo hướng tăng cường xử lý trốn đóng BHXH như ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Dự kiến tháng 10/2023 tới đây, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được chính thức trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Minh Anh

Top