Thực phẩm nơi cổng trường: Làm sao để 'phòng hiệu quả hơn chống'
(Chinhphu.vn) - Thực phẩm bẩn từ những quầy hàng rong xung quanh trường học vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của rất nhiều các ban ngành, địa phương, đặc biệt là đối với học sinh và nhà trường. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và cảnh báo về nguy hại sức khỏe cho các em, cho phụ huynh và nhà trường vẫn luôn là điều cần thiết và tiên quyết để "phòng hiệu quả hơn chống".

Trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại tình trạng bán hàng rong không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, gây ảnh hướng đến sức khỏe học sinh. Ảnh: VGP/TT.
Nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho học sinh
Chia sẻ với phóng viên, bà Đào Ngọc Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa, quận Cầu Giấy cho biết, vấn đề bảo đảm an toàn thực cho học sinh trường học là vô cùng quan trọng, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ, nhất là các bé mầm non.
Từ nhiều năm nay, trường mầm non Tuổi Hoa là trường điểm về nuôi dưỡng cấp quận. Vì vậy khâu kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu, các nhà cung ứng thực phẩm phải được quận thẩm định về hồ sơ đủ điều kiện và phê duyệt.
Về phía nhà trường cũng tiến hành kiểm tra thực tế tại các đơn vị sản xuất, cung cấp thực phẩm... Khi thực phẩm được vận chuyển đến trường, nhà trường cũng thực hiện đầy đủ các quy định về giao nhận thực phẩm dưới sự giám sát, kiểm tra của giáo viên và ban phụ huynh các lớp. Sau khi giao nhận thực phẩm, nhà trường sẽ quản lý chặt chẽ khâu sơ chế, chế biến nấu ăn... tại chính bếp ăn của trường. Ngoài ra, trường cũng thường xuyên kiểm tra bữa ăn hàng ngày của trẻ để nhận phản hồi, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp.
Đối với vấn đề vấn đề hàng quán bán rong xung quanh trường, bà Đào Ngọc Oanh chia sẻ, trường Mầm non Tuổi Hoa vốn xa các khu hàng quán đông đúc. Nhưng thực tế, xung quanh trường cũng có các quán ăn được mọc lên nhưng xuất phát từ nhu cầu của một số phụ huynh, và chủ yếu là đồ thực phẩm dành cho người lớn. Còn hàng quán bán đồ ăn cho trẻ con rất hãn hữu vì nhà trường có dịch vụ ăn sáng tại trường, việc thực hiện an toàn thực phẩm được phụ huynh rất tin tưởng, gửi gắm. Chính vì vậy, đây cũng là một lợi thế của trường trong đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo bà Oanh, việc quản lý những quán ăn này nằm ngoài nhà trường, do các cơ quan chức năng cấp quận huyện, xã phường quản lý và kiểm tra. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh, dù ở bất cứ một cấp học nào điều quan trọng nhất vẫn là phụ huynh phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm giáo dục, cung cấp kiến thức và hướng dẫn cho con em mình phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch, đâu là địa chỉ uy tín hay nơi nào không bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Phía nhà trường cũng khuyến cáo phụ huynh, với những thức ăn đường phố sẽ không có chứng nhận, cam kết về an toàn thực phẩm thì không nên cho con sử dụng.

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Hà Nội. Ảnh: VGP/TT.
Công tác quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương là quan trọng
Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có gần 4 nghìn bếp ăn tập thể trường học. Về cơ sở vật chất đều đạt khá tốt, đảm bảo yêu cầu. Người tham gia chế biến cũng được tập huấn, khám sức khỏe định kỳ, nguồn gốc thực phẩm khi đưa vào bếp ăn tập thể phải được kiểm soát nghiêm ngặt, nhà cung cấp có hồ sơ pháp lý rõ ràng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và phải thấy nguồn gốc thực phẩm đó ở đâu, nếu không rõ ràng thì không được đưa vào tham gia chế biến. Ban Giám hiệu nhà trường cũng cần thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, trong đó có vai trò của phụ huynh học sinh.
Về vấn đề thức ăn đường phố, trong đó có các quầy hàng bán rong cạnh cổng trường, theo ông Phong, ở góc độ quản lý, Thành phố chỉ quản lý các cơ sở kinh doanh có giấy phép đăng ký kinh doanh được Sở KH&ĐT Thành phố cấp hoặc Bộ KHĐT cấp; đăng ký kinh doanh là Phòng Kinh tế của các quận, huyện cấp; các hộ kinh doanh là do quận, huyện quản lý. Vì vậy, việc để xảy ra mất an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố ở địa phương nào thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Thành phố. Theo đó, vấn đề thức ăn đường phố thuộc về quản lý của cấp quận, huyện thị xã.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, thời gian qua Hà Nội đã xây dựng Tuyến phố văn minh bảo đảm an toàn thực phẩm ở mỗi một quận, huyện sẽ có một tuyến phố làm điểm, từ đó sẽ nhân rộng ra các tuyến phố khác.
Theo ông Phong, đối với thức ăn ở cổng trường học, đây là một dạng bán hàng rong phát sinh, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng, gây hại cho sức khỏe của người dân, đặc biệt là các em học sinh- đối tượng/khách hàng chủ yếu của nhóm hàng này. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho các em học sinh, các quận, huyện phải làm mạnh công tác quản lý. Thông qua việc phối hợp với chính quyền xã, phường, thị trấn cùng với công an, dân phòng, tổ dân phố… để hạn chế, đẩy lùi sự tồn tại của tình trạng này.
Đầu tiên là đẩy mạnh truyền thông cho học sinh để khuyến cáo các em không được ăn thức ăn đường phố, nhất là các quầy hàng bán rong trước cổng trường, tiếp đến là có biện pháp nhắc nhở, yêu cầu người bán hàng rong không được bán ở cổng trường học, hoặc cưỡng chế đối với những hộ bán hàng rong không có nguồn gốc xuất xứ thực phẩm rõ ràng, kiên quyết không để tình trạng đó xảy ra. Nếu họ không nghe cần phải có biện pháp mạnh hơn như khoanh khu vực tại cổng trường học hoặc không cho có khu vực để họ đứng bán hàng rong, từ đó để học sinh không có và không đủ thời gian và không gian tiếp cận.
"Vấn đề mấu chốt là chúng ta cần phải làm tốt và làm mạnh vấn đề truyền thông đến tất cả các đối tượng từ người bán- người mua là học sinh và đến nhà trường, cha mẹ học sinh…", ông Phong nhấn mạnh.
Hiện nay, để bảo đảm an toàn thực phẩm, nếu các quận, huyện có kế hoạch lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm tại quầy hàng rong hay các hàng quán riêng thì địa phương sẽ chủ động tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Đây cũng là cách thức để phát hiện thực phẩm có đạt được chất lượng an toàn hay không, từ đó cư quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý phù hợp.
Về phía Thành phố, theo ông Đặng Thanh Phong, trong năm nay, Thành phố mới tập trung vào bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học và khu công nghiệp, vì đây là hai khu vực có lượng người tham gia rất lớn, cần được ưu tiên tập trung triển khai. Trong năm sau, dự kiến sẽ đến vấn đề về bảo đảm an toàn thực phẩm tại cổng trường học và đến các khu vực khác…
Bởi nếu dồn dập nhiều nội dung để thực hiện cùng lúc thì sẽ khó thực hiện và khó khả thi. Hi vọng, khi có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp ngành, nhà trường, học sinh… thì vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm cạnh trường học sẽ được kiểm soát tốt hơn và có được kết quả khả thi hơn.
TT