Tìm giải pháp cung ứng nguyên liệu phát triển làng nghề
(Chinhphu.vn) - Hà Nội có nhiều làng nghề truyền thống phân bố ở hầu khắp các quận, huyện, thị xã. Đây chính là thế mạnh của Thành phố để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu để cung cấp cho sản xuất ở các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện Thành phố có 806 làng nghề, làng có nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận phân bố hầu khắp các quận, huyện và thị xã. Trong 321 làng nghề, làng có nghề, Hà Nội có 273 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương; đồng thời tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố.
Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: Sản phẩm may mặc, gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè, …).
Tại Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 do Bộ NN &PTNT tổ chức, Hà Nội đạt 25/47 tổng giải thưởng. Vừa qua, ngày 5/4/2023 tại hội nghị xét công nhận sản phẩm OCOP 5 sao do Bộ NN&PTNT đã chủ trì họp Hội đồng OCOP cấp Trung ương về việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia năm 2023 cho nhóm thủ công mỹ nghệ, Hà Nội có thêm 2 trong 3 nhóm sản phẩm làng nghề và cũng là sản phẩm OCOP 5 sao của cả nước đó là bộ sản phẩm Gốm men suối ngọc của làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm và sản phẩm từ tơ tằm, tơ sen của làng nghề dệt Phùng xá, Mỹ Đức.
Là cái nôi sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao tốp đầu cả nước, Hà Nội luôn có nhu cầu rất cao về nguồn nguyên liệu. Chính vì vậy, hiện nay Thành phố luôn quan tâm kết nối vùng nguyên liệu với các tỉnh, thành trong cả nước để triển khai sản xuất. Như nhu cầu cần nguyên liệu để sản xuất gốm sứ hàng năm khoảng trên 10.000 tấn đất sét trắng, tập trung ở 3 làng nghề gốm sứ truyền thống Bát Tràng, Giang Cao và Kim Lan, nguyên liệu lấy từ nguồn khai thác trong nước và nhập khẩu. Tại huyện Chương Mỹ, ước tính sản lượng tiêu thụ hàng năm của các đơn vị sản xuất trên địa bàn huyện sử dụng nguyên liêu mây là 600 tấn; song 700 tấn, tre – nứa – giang 500 nghìn cây… Dự kiến số lượng nguyên liệu cần sử dụng để sản xuất sẽ ngày càng tăng lên.
Thực tế cho thấy, hiện nay nguồn nguyên liệu để sản xuất cho các làng nghề đang bị suy giảm do tác động của nhiều yếu tố. Tiêu biểu như tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp; sự biến đổi khí hậu khiến đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, ảnh hưởng bởi bão lũ, hạn hán, hay việc khai thác quá mức, thiếu tổ chức dẫn đến cạn kiệt các nguồn nguyên liệu tự nhiên. Đồng thời, việc ban hành chính sách hỗ trợ, qui hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, hầu hết nguyên liệu cho sản xuất tại các làng nghề ở Hà Nội phụ thuộc vào bên ngoài khiến các hộ sản xuất không chủ động được. Nhiều năm gần đây, một số tỉnh thành đã và đang tiến hành lập quy hoạch vùng nguyên liệu. Tuy nhiên các quy hoạch này đều chưa xác định được vùng nguyên liệu cụ thể. Hơn nữa, các quy hoạch chỉ tiến hành cho từng tỉnh, từng địa phương riêng rẽ mà chưa gắn kết quy mô vùng nhằm tận dụng tối đa lợi thế vùng miền trên cả nước.
Việc phát triển nghề và làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Nguyên liệu tự nhiên phục vụ sản xuất đang bị suy giảm, thậm chí cạn kiệt do khai thác quá mức, thiếu tổ chức. Các vùng nguyên liệu trồng tập trung thiếu quy hoạch bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác và chịu áp lực về đất đai của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.
Vì vậy, để tìm ra các giải pháp gỡ khó cho việc cung ứng nguồn nguyên liệu phát triển làng nghề, theo Sở NN&PTNT Hà Nội, cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu. Trong đó, dành quỹ đất để xây dựng các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề nhằm di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào sản xuất tập trung; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung trong và ngoài tỉnh để phục vụ sản xuất; điều chỉnh giảm giá thuê đất đối với các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn trong các cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu sản xuất tập trung phục vụ sản xuất.
Song song với đó là đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề. Ưu tiên phát triển một số sản phẩm chủ lực như mây tre lá, gốm sứ, thêu dệt, dược liệu… tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp.
Bên cạnh đó cần khuyến khích và hỗ trợ cơ chế hợp tác công tư để phát triển vùng nguyên liệu, chế biến và kinh doanh nguyên liệu phục vụ làng nghề. Hỗ trợ phát triển các nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp quy chuẩn quốc tế và nguồn nguyên liệu thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu tư liên kết với nông dân xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất tập trung từ việc trồng, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Đồng thời tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
Thiện Tâm