Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tiếp tục được mở rộng
(Chinhphu.vn) - Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế của Thành phố đạt 93,1% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) với hơn 7.736 nghìn người tham gia, tăng 0,2% so với cuối tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo kế hoạch Thành phố giao năm 2023, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 93,5% dân số; tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội đạt 45% số người trong độ tuổi lao động, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 2%; số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đạt 39% lực lượng lao động.
Tính đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế của Thành phố đạt 93,1% dân số (Chưa bao gồm lực lượng vũ trang) với hơn 7.736 nghìn người tham gia, tăng 0,2% so với cuối tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022; có 1.989 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc (chiếm 42% lực lượng trong độ tuổi lao động), tăng 0,2% và tăng 5,5%; gần 76,8 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (chiếm 1,8%), tăng 1,2% và tăng 20%; có 1.922 nghìn người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (chiếm 38,6%), tăng 0,2% và tăng 5,6%.
Kết quả trên cho thấy chính sách BHXH, BHYT đã đến gần hơn với người dân, trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Chính sách BHXH tự nguyện hướng tới người nông dân, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức cũng từng bước đi vào đời sống.
Đặc biệt, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng và tăng với tốc độ rất nhanh, nếu như năm 1995 có 552.308 người được cấp thẻ BHYT, bằng 13,9% dân số thì đến nay, tính đến tháng 6/2023 số người tham gia BHYT tăng lên hơn 7,7 triệu người, mở rộng diện bao phủ BHYT đạt 93,1% dân số. Năm 2023, BHXH Thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao 93,5%, giúp người dân có điều kiện để chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí khám, chữa bệnh.
Theo đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, thành phố Hà Nội là nơi có số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng lớn nhất cả nước. Đối tượng hưởng chính sách rất đa dạng, trong đó có nhiều cán bộ trung, cao cấp trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, nhiều cán bộ Lão thành cách mạng, người có công… Nhưng trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Thành phố, các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn và sự chỉ đạo trực tiếp của BHXH Việt Nam, BHXH thành phố Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng và Bưu điện thực hiện tốt nhiệm vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định trước ngày 10 hàng tháng.
Nếu như năm 1995, Thành phố Hà Nội giải quyết và chi trả lương hưu và các chế độ BHXH hàng tháng cho 224.348 người với số tiền 592 tỷ đồng thì đến 6 tháng đầu năm 2023, BHXH Thành phố thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng của 577.479 người với số tiền chi trả 15.243 tỷ đồng; số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM đạt 41,17%.
Từ năm 2003 đến nay, BHXH TP. Hà Nội đã đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT theo đúng quy định của Điều lệ BHYT và sau này là Luật BHYT. Số lượt người được KCB theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm, nếu như năm 1995 có 1,6 triệu lượt người KCB BHYT thì đến riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã có trên 4,8 triệu lượt người KCB BHYT, trong đó chi phí KCB BHYT đề nghị thanh toán là 8.512,4 tỷ đồng. Hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, bệnh mạn tính có chi phí điều trị lớn đều đã được BHXH Thành phố thực hiện thanh toán đầy đủ đúng quy định, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Năm 2022, ngân sách Thành phố đã hỗ trợ 44.635 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền 8,2 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Ngân sách Thành phố đã hỗ trợ 52.865 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền 10,7 tỷ đồng.
BHXH Việt Nam cũng đã chọn Hà Nội là đơn vị triển khai thí điểm nhiều TTHC và phần mềm CNTT, sau đó mới triển khai áp dụng đồng bộ trên toàn quốc. BHXH Thành phố cũng chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, kịp thời đưa ra các phân tích, dự báo mang tính chuyên sâu. Bên cạnh đó, đã liên thông dữ liệu, kết nối các phần mềm quản lý như giải quyết chế độ BHXH (TCS); Quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT (TST); phần mềm kế toán và Hệ thống thông tin giám định BHYT góp phần phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT…
Toàn Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 4 triệu người đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH và được cấp tài khoản sử dụng ứng dụng VssID- BHXH số, là đơn vị có số người cài đặt ứng dụng VssID lớn nhất toàn quốc.
Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, BHXH Thành phố đã phối hợp các Sở, ngành thực hiện 4/25 thủ tục hành chính kịp thời, theo quy định. Đến nay, đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi với 28.169 trường hợp; liên thông đăng ký khai tử, trợ cấp mai táng phí đối với 298 trường hợp.
Có 137 lượt giao dịch gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BH thất nghiệp cho 14.030 người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đối với việc xác thực dữ liệu căn cước công dân với thẻ BHYT, đã có 6.334.701 người có thẻ BHYT trên địa bàn Thành phố đã được đồng bộ có thể sử dụng căn cước công dân để đi KCB. Đáng chú ý, trên địa bàn Thành phố, 698 cơ sở KCB BHYT đã áp dụng CCCD tra cứu KCB; số lượt sử dụng CCCD tra cứu KCB là 1.142.936 lượt.
Minh Anh