Ứng dụng CCCD gắn chip mang lại nhiều giá trị thiết thực

01/03/2023 10:34 AM

(Chinhphu.vn) - Nhiều tiện tích, giá trị thiết thực đã mang lại cho người dân trong quá trình ứng dụng, cấp Căn cước công dân gắn chip và định danh điện tử cho công dân. TP. Hà Nội cũng đang chuẩn hóa, tiếp tục cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ứng dụng CCCD gắn chip mang lại nhiều giá trị thiết thực - Ảnh 1.

Người dân hài lòng từ mô hình ‘giải quyết thủ tục hành chính không chờ’ của quận Hoàn Kiếm - Ảnh: VGP

Triển khai sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ ATM để rút tiền

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số theo Đề án 06 của Chính phủ, Công an Thành phố đã tiến hành cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip và định danh điện tử cho công dân trên địa bàn Thành phố.

Tính đến ngày 19/12/2022, toàn Thành phố đã thu nhận 6,5 triệu hồ sơ cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip đối với các trường hợp công dân trong độ tuổi quy định, đã nhận và trả trên 6 triệu thẻ CCCD cho người dân.

Thành phố cũng đã thu nhận hơn 4.026.354/ 6.220.864 hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử, đạt 64,7% so với chỉ tiêu, trong đó, toàn Thành phố đã kích hoạt 15.121 tài khoản định danh mức 1 và 528.785 tài khoản định danh mức 2.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, thông qua thẻ CCCD gắn chip và các dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, các lực lượng chức năng của Thành phố đã ứng dụng để mang lại nhiều giá trị thiết thực trong đời sống, xã hội.

Một số lợi ích, giá trị mang lại của CSDLQG về dân cư và CCCD gắn chip đã được các lực lượng Công an TP. Hà Nội ứng dụng được người dân đánh giá cao là: Tổ công tác Công an phường Nguyễn Trung Trực (Ba Đình) đã trả lại túi xách bị mất cho chị M.P (Hoàng Mai, Hà Nội) thông qua việc tra cứu dữ liệu trên thẻ CCCD gắn chíp trên Hệ thống CSDLQG về dân cư; Công an phường Hàng Trống đã tìm lại được người thân của con nuôi ông Philip Marshal (SN 1957, quốc tịch Mỹ) sau 27 năm thông qua khai thác dữ liệu trong CSDLQG về dân cư…

Hà Nội cũng đã triển khai sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ ATM để rút tiền tại máy ATM tại một số ngân hàng trên địa bàn Thành phố như: Ngân hàng BIDV (10 điểm tại Hà Nội), VietinBank (1 điểm); VietcomBank (1 điểm)… Việc ứng dụng này góp phần xác thực, đảm bảo chính xác danh tính, phòng chống gian lận, rủi ro…

Về cơ bản, tất cả thẻ CCCD sau khi nhận về Công an các cấp đã tiến hành trả thẻ ngay cho công dân. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân như công dân thay đổi chỗ ở, vắng mặt khỏi nơi cư trú và thông tin số điện thoại cung cấp khi làm thủ tục cấp CCCD không chính xác nên Công an cấp cơ sở không liên hệ được để trả thẻ cho công dân.

Để khắc phục tình trạng này, Công an Thành phố đã xây dựng phần mềm và triển khai Ứng dụng tra cứu kết quả cấp thẻ CCCD trên Cổng thông tin điện tử Công an Thành phố http://congan.hanoi.gov.vn để phục vụ công dân tiện tra cứu về tình trạng cấp thẻ CCCD khi có nhu cầu).

Công an Thành phố cũng thực hiện công tác đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống": Tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống": Đã rà soát, làm sạch 3 cấp đối với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5%).

Năm 2023, Công an Thành phố phấn đấu 100% công dân trên địa bàn được cấp CCCD gắn chíp, đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID; 100% công dân Thủ đô có tài khoản trên Cổng dịch vụ công; 100% công dân được cấp chữ ký số miễn phí phục vụ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch trên môi trường điện tử.

Hà Nội quyết tâm làm điểm tốt về Đề án 06

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), TP. Hà Nội xác định rõ vai trò, trách nhiệm khi được Chính phủ chọn làm điểm, làm mẫu trong việc thực hiện Đề án trên cả nước.

Lãnh đạo Thành phố đã khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn Thành phố trong việc triển khai thực hiện Đề án 06, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thủ đô.

Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp để triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như: Đăng ký khai sinh, Đăng ký khai tử, Lý lịch tư pháp, Cấp đổi giấy phép lái xe, tuyển sinh đầu cấp, làm sạch dữ liệu tiêm chủng, trợ cấp thất nghiệp… đảm bảo triển khai theo đúng lộ trình của Đề án

Đến nay, 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo 06 và Tổ công tác 06. Toàn Thành phố có 5.859 Ban Chỉ đạo, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở. Trong đó, lực lượng Công an với vai trò nòng cốt đã thành lập 100% Tổ công tác 06 tại các cấp để trực tiếp tham mưu Ban Chỉ đạo 06 UBND các cấp triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Đề án.

Hoạt động của các Tổ công tác 06 tại các thôn, bản, tổ dân phố phát huy vai trò tích cực, thường xuyên và là lực lượng nòng cốt đặc biệt trong công tác truyền thông, vận động và hướng dẫn công dân về các lợi ích của Đề án cũng như là đội ngũ hỗ trợ tích cực trong việc triển khai các nội dung liên quan đến làm sạch dữ liệu như: Dữ liệu trẻ em, người có công (ngành Lao động - Thương binh và xã hội); dữ liệu của các tổ chức chính trị, chính trị xã hội (Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh….), lực lượng xung kích tình nguyện hỗ trợ về công nghệ thông tin, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến, tổ công nghệ cộng đồng (Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, các tổ dân phố….).

Đối với nhiệm vụ kết nối Hệ thống Cổng DVC và một cửa điện tử của Thành phố với CSDLQG về dân cư, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố hiện đang là hệ thống thử nghiệm và đã thực hiện kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các Hệ thống chuyên ngành theo đúng quy chuẩn kỹ thuật hiện nay. Hệ thống đã đánh giá đủ điều kiện bảo mật, an ninh, an toàn thông tin, đáp ứng kết nối theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về dân cư; thực hiện khai thác dữ liệu từ CSDLQG về dân cư phục vụ việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Đối với danh mục 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP, đến ngày 30/12/2022, Thành phố đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100%). Theo đó, công dân trên địa bàn Thủ đô đã có thể sử dụng toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên các Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Thành phố và Cổng dịch vụ công các bộ, ngành.

Riêng đối với 2 DVC liên thông được thí điểm tại TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam: "Đăng ký khai sinh đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí", hai địa phương triển khai điểm từ ngày 22/11/2022. Sau 01 tháng triển khai đã tiếp nhận tổng số 3.358 hồ sơ yêu cầu thực hiện liên thông. Thành phố đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ và điều chỉnh quy trình phù hợp với thực tế triển khai.

Theo Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, với chủ đề năm 2023 được Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số chọn là "Năm dữ liệu quốc gia", Thành phố tập trung chỉ đạo việc thu thập dữ liệu, góp phần xây dựng, hoàn thiện các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", có kết nối, chia sẻ để phục vụ các nhiệm vụ chung.

Phấn đấu năm 2023 đưa vào vận hành chính thức Cổng dịch vụ công của Thành phố; nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố, đảm bảo tối thiểu 50% hồ sơ phát sinh được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến.

Bên cạnh đó, chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở xác thực, chia sẻ bằng dữ liệu của CSDLQG về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Hà Nội cũng phấn đấu 100% người dân khi thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ Công Thành phố, không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về công dân đã có trong CSDLQG về dân cư.

Gia Huy

Top