Vành đai 4: Dám nghĩ, dám làm để mở rộng không gian phát triển Thủ đô và liên vùng

24/06/2023 7:32 AM

(Chinhphu.vn) - Tròn 1 năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, sáng Chủ Nhật tuần này (25/6), TP. Hà Nội sẽ tổ chức khởi công dự án đồng loạt tại 4 điểm trên địa bàn Hà Nội, cùng lúc với lễ động thổ Vành đai 4 tại tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên.

Vành đai 4: Dám nghĩ, dám làm để mở rộng không gian phát triển Thủ đô và liên vùng - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng trước ngày khởi công dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô - Ảnh: VGP

Vành đai 4-Khâu đột phá để phát triển giao thông

Trong 10 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, trục chính đô thị đã được TP. Hà Nội quan tâm đầu tư, tuy nhiên chưa thể đáp ứng nhu cầu hạ tầng giao thông. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến tháng 11/2022, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội là hơn 7,7 triệu phương tiện, chưa kể còn khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Thủ đô. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng các phương tiện mỗi năm khiến tình trạng giao thông tại Thủ đô ngày càng phức tạp.

Dự án đường Vành đai 4, kết nối vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98 km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Sau hơn 10 năm chưa triển khai thực hiện, trước thực trạng áp lực giao thông tại Thủ đô, nhu cầu vận tải liên vùng, Chính phủ đã giao TP. Hà Nội lập báo cáo tiền khả thi dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Trong nhiều cuộc họp triển khai dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhiều lần nhấn mạnh về sự cần thiết phải đầu tư dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô, theo đó đầu tư dự án không chỉ khắc phục tình trạng ùn tắc của Vành đai 3, mà còn đem lại lợi thế so với các tuyến đường hiện có của Hà Nội. TP. Hà Nội xác định đây là khâu đột phá, khâu quyết định để đảm bảo phát triển giao thông Thủ đô, phát triển các khu vực đô thị và kết nối giao thông liên vùng.

Sau khi Hà Nội đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, xác định lại chiều dài toàn tuyến là 112,8 km, Chính phủ đã trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Tại cuộc họp tháng 6/2022, Quốc hội đã chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng Vành đai 4-Vùng thủ đô. Tuyến đường dài 112,8 km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, trong đó đoạn đi qua Hà Nội dài 58,2 km (đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông). Nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300 ha. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.

Tổng mức cao đầu tư 85.813 tỷ đồng với tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành cuối năm năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Ngày 18/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô, yêu cầu 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 31/1/2023; bảo đảm khởi công tuyến đường vào tháng 6/2023.

Đây là những chủ trương quan trọng, là cơ sở pháp lý để Hà Nội vùng các tỉnh có Vành đai 4 đi qua là Bắc Ninh và Hưng Yên cùng ‘bắt tay’, phối hợp chặt chẽ để sớm khởi công dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chínhhttps://baochinhphu.vn/thu-tuong-l...

Giải phóng mặt bằng vượt tiến độ: Chìa khóa quan trọng để khởi công

Bắt tay ngay vào công việc, nhiều cuộc họp đã được Thành ủy-UBND TP. Hà Nội tổ chức để triển khai thực hiện Dự án. Hà Nội-Bắc Ninh-Hưng Yên đã cùng ký cam kết về tiến độ, thể hiện Sự quyết tâm, hợp tác và cam kết về tiến độ của 3 địa phương để khẳng định Vành đai 4-Vùng Thủ đô đang hiện thực hóa mục tiêu mở rộng không gian, thúc đẩy kết nối liên vùng, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước.

Để bảo đảm các mốc tiến độ theo Nghị quyết của Chính phủ, xác định giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, quyết định tiến độ của dự án. Hà Nội-Bắc Ninh-Hưng Yên là tổ chức lễ phát động thi đua giải phóng mặt bằng giữa các tỉnh, thành phố và giữa các quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua tại Hà Nội.

Trong cuộc kiểm tra thực địa dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô vào tháng 1/2022 tại khu vực nút giao với đại lộ Thăng Long, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hoan nghênh việc triển khai chủ động, sáng tạo, sự phối hợp chặt chẽ của 3 địa phương trong triển khai các công việc, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, giải phóng mặt bằng là khâu quyết định tiến độ các dự án giao thông, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp giữa các địa phương.

Vành đai 4: Dám nghĩ, dám làm để mở rộng không gian phát triển Thủ đô và liên vùng - Ảnh 3.

Mặt bằng nơi Vành đai 4-Vùng Thủ đô đi qua tại địa phận huyện Hoài Đức đang được chuẩn bị để tổ chức lễ khởi công vào ngày 25/6 - Ảnh: VGP

Chủ trì nhiều cuộc họp triển khai dự án, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và có nhiều điểm đặc thù như Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đây là lần đầu tiên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra chỉ thị riêng về công tác giải phóng mặt bằng, đó là Chỉ thị về công tác giải phóng mặt bằng của dự án Vành đai 4 để gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị của Thành phố và cấp quận, huyện cùng vào cuộc để đạt mục tiêu đặt ra.

Xác định công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án, Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp của 3 địa phương để triển khai dự án và mỗi tỉnh, thành đều đã ban hành Kế hoạch của địa phương mình để triển khai thực hiện. Cả 3 địa phương đã thống nhất xác định phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Những tháng đầu năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã có những buổi kiểm tra thực địa công tác giải phóng mặt bằng tại các quận, huyện có dự án Vành đai 4 đi qua. Đồng chí cũng đích thân chủ trì nhiều hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát với các quận, huyện này.

Số liệu mới nhất tại cuộc kiểm tra của Bí thư Thành ủy Hà Nội trước ngày khởi công (ngày 20/6), các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã thu hồi đất bàn giao mặt bằng được 651,33/798,043 ha (đạt 81,62%). Tổng số mộ chí đã di chuyển 6.035/10.039 ngôi (đạt 60,12%). Tổng số tiền đã phê duyệt là trên 4.626 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo cả 7 quận, huyện có dự án Vành đai 4 đi qua đề hiện quyết tâm cao trong quá trình triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng đang vượt kế hoạch đặt ra của Thành phố. Như vậy, kế hoạch đặt ra là giải phóng mặt bằng 70% nhưng đến nay tiến độ Hà Nội đã đạt được là 81,62%.

Trong đó, huyện Sóc Sơn giải phóng mặt bằng được 47,8ha, đạt 99,1%; Huyện Mê Linh giải phóng mặt bằng trên 121 ha, đạt 83,2%; huyện Đan Phượng giải phóng mặt bằng 55,88 ha, đạt 74,7%; huyện Thanh Oai giải phóng mặt bằng gần 68ha, đạt 78,11%; quận Hà Đông giải phóng mặt bằng được 56,6ha, đạt 82,93%; huyện Hoài Đức giải phóng mặt bằng trên 192ha, đạt trên 80,4%; huyện Thường Tín giải phóng mặt bằng trên 106ha, đạt gần 80%.

Cả 7 quận, huyện đã bàn giao mặt bằng bao gồm vị trí khởi công để nhà thầu vào tổ chức triển khai tạo mặt bằng bãi khởi công công trình từ ngày 18/6/2023, dự kiến xong trước ngày 20/6/2023, đủ điều kiện khởi công ngày 25/6/2023.

Vành đai 4: Dám nghĩ, dám làm để mở rộng không gian phát triển Thủ đô và liên vùng - Ảnh 4.

Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội

Người dân ủng hộ và mong chờ dự án Vành đai 4

Trò chuyện với Thủ tướng Chính phủ trong chuyến kiểm tra thực địa dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô thuộc địa phận huyện Hoài Đức vào tháng 1/2022, người dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án cho biết, đây là dự án thứ 4 có thu hồi đất trên địa bàn, nhưng người dân rất phấn khởi và sẵn sàng nhường đất cho dự án, kể cả đang sản xuất, kinh doanh cho thu nhập tốt; nhiều người dân đã nhanh chóng di dời mồ mả tổ tiên, người thân.

Trao đổi với Bí thư Thành ủy Hà Nội trong mỗi chuyến kiểm tra, người dân tại các quận, huyện đều bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí cao với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 và cho biết sẵn sàng bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, sự ủng hộ của người dân càng đòi hỏi các cấp, các ngành từ Thành phố xuống cơ sở phải làm thật tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm bảo đảm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng như đã đề ra; đặc biệt, phải làm thật tốt công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, nghiên cứu bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân theo quy định…

Là một trong số nhiều người dân sẵn sàng ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4, nghe tin TP. Hà Nội sẽ khởi công Dự án vào ngày 25/6 này, ông Nguyễn Văn Kỳ, Trưởng thôn Xuân Áp, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn (gia đình ông có 850m2 đất nông nghiệp cần thu hồi) nhưng ông rất đồng tình và bày tỏ sự mong chờ: "Ngay khi biết thông tin về dự án Vành đai 4, chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ chủ trương thực hiện. Dự án được khởi công, giao thông phát triển thì người dân sẽ được hưởng lợi nhiều, mong rằng dự án sẽ được hoàn thành đúng kế hoạch".

Xác định công tác Mặt trận phải âm thầm đi trước một bước, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố, đặc biệt là hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp của 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua đã tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, bám dân, sát dân, làm rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án, công khai, minh bạch các thông tin về Dự án.

Đồng thời, tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe nhân dân, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đặc biệt trong công tác GPMB, di dời các phần mộ, thu hồi đất thổ cư…

Từ sự chỉ đạo sát sao cũng như sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân, dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đã bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng đề ra. Đây không chỉ là dự án mẫu từ công tác chuẩn bị đến khi triển khai mà còn đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm trong giải phóng mặt bằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Trong cuộc kiểm tra dự án trước ngày khởi công, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý, sau khởi công phải bắt tay làm ngay, đã làm là phải làm liên tục. Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu chuẩn bị đầy đủ máy móc, sẵn sàng nguyên vật liệu để tổ chức thi công; coi đây là nhiệm vụ chính trị; đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu 7 quận, huyện và các cơ quan, đơn vị tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt băng hoàn thành tái định cư để 100% hộ dân về nơi ở mới và đến cuối năm 2023 hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng.

Được hình thành trong tương lại không xa, Vành đai 4- Vùng Thủ đô hứa hẹn mở ra không gian phát triển mới, với các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khai thác quỹ đất hiệu quả hơn, góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của Hà Nội nói riêng và vùng Thủ đô nói chung.

Tổng mức đầu tư của dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô là 85.813 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng (Hà Nội 23.524 tỷ đồng, Hưng Yên 1.505 tỷ đồng, Bắc Ninh: 3.164 tỷ đồng); vốn BOT 29.447 tỷ đồng. Các cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền gồm UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Bắc Ninh.

Huy-Linh

Top