Xén dải phân cách, mở rộng đường: Giải pháp ‘nóng’ nhưng hiệu quả
(Chinhphu.vn) - Trước tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng tại nhiều tuyến phố, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai giải pháp xén dải phân cách, mở rộng mặt đường nhằm tăng khả năng lưu thông cho các phương tiện.

Giảm ùn tắc từ xén dải phân cách, điều chỉnh tổ chức giao thông. Ảnh: VGP/Bích Phương
Giảm áp lực giao thông
Những năm gần đây, hàng loạt tuyến đường huyết mạch như đường Láng, Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Giải Phóng… đã được xén dải phân cách để mở rộng mặt đường, qua đó giảm áp lực giao thông vào giờ cao điểm.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc xén dải phân cách giúp tăng thêm từ 1 đến 2 làn xe, nâng cao năng lực thông hành mà không phải tiến hành giải phóng mặt bằng – một trong những bài toán khó và tốn kém trong công tác quy hoạch đô thị.
Ông Nguyễn Văn Hải, một người dân sống trên đường Trường Chinh cho biết: "Từ ngày mở rộng đường, tôi thấy xe cộ đi lại thông thoáng hơn, không còn cảnh kẹt xe kéo dài như trước."
Thực tế cho thấy, một số tuyến phố như: Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh; Vành đai 2 (đường Láng); Vành đai 3 (Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm), Đại lộ Thăng Long sau khi được xén dải phân cách, mở rộng lòng đường đã giảm tải giao thông khá hiệu quả. Trên những tuyến đã hoàn thành mở rộng, mặt đường và cảnh quan đô thị đều có bộ mặt khang trang.
Một trong những giải pháp nổi bật là việc xén dải phân cách và mở rộng lòng đường tại các nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc. Tại nút giao Hoàng Quốc Việt - Nghĩa Tân - ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, việc xén dải phân cách giữa nhằm mở rộng làn đường rẽ trái, tăng lưu thoát các dòng xe, giảm ùn tắc giao thông.
Tương tự, trên đường Khuất Duy Tiến, đoạn trước tòa nhà Taisei Tower số 289, Sở Xây dựng Hà Nội đã triển khai phương án xén bỏ dải phân cách với chiều dài 70m, rộng 3m, giúp mở rộng lòng đường và cải thiện lưu thông.
Chị Bùi Thu Trang (Nguyễn Xiển, Hà Nội) cho biết, một số tuyến đường có lưu lượng phương tiện rất lớn, giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc trong khi lòng đường nhỏ hẹp khiến các phương tiện di chuyển rất khó khăn. "Tôi thấy trước mắt để hạn chế ùn tắc giao thông thì việc xén dải phân cách mở rộng không gian các tuyến đường sẽ giúp các phương tiện có thêm diện tích để di chuyển", chị Trang chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tức thì, một số chuyên gia cũng cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Xén dải phân cách giúp giải quyết tình trạng kẹt xe trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, Hà Nội cần có những chính sách toàn diện hơn như phát triển giao thông công cộng, kiểm soát phương tiện cá nhân và quy hoạch lại đô thị.
Tiếp tục linh hoạt các giải pháp
Trong năm 2025, trên địa bàn thành phố có tổng số 37 điểm ùn tắc giao thông (bao gồm 20 điểm tồn tại từ năm 2024 và 17 điểm mới phát sinh). Sở Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra hiện trạng, đánh giá nguyên nhân và nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý. Trong đó có sắp xếp thứ tự ưu tiên để đề xuất xử lý.
Từ thực tế xử lý và theo dõi sau quá trình điều chỉnh, tổ chức lại giao thông, ngoài các điểm, trục tuyến đường ùn tắc đang dần "hạ nhiệt", từ đầu năm 2025 đến nay có 2 điểm ùn tắc đã được xử lý dứt điểm là khu vực nút giao Lĩnh Nam - Đỗ Mười (quận Hoàng Mai) và khu vực đảo xuyến trên đường Cương Kiên (quận Nam Từ Liêm).
Về phương án xử lý, với khu vực nút giao Liễu Giai - Đào Tấn (quận Ba Đình), thành phố đang đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và điều chỉnh rào chắn theo tiến độ thi công. Với khu vực ngã ba Kim Đồng - Giải Phóng và đầu cầu Kim Đồng (quận Hoàng Mai), thành phố sẽ đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án xây dựng hầm chui Kim Đồng…
Được biết, trong năm 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai xén dải phân cách tại hơn 10 tuyến phố trọng điểm, đồng thời kết hợp với các giải pháp đồng bộ khác như điều chỉnh đèn tín hiệu, phân luồng giao thông hợp lý và mở rộng hệ thống xe buýt nhanh BRT.
Việc mở rộng đường bằng cách xén dải phân cách đang góp phần giải bài toán ùn tắc giao thông cho thủ đô, nhưng để đạt được hiệu quả lâu dài, Thành phố cần hướng đến những chiến lược bền vững và có tầm nhìn tổng thể hơn.
Dù những giải pháp hiện tại đang mang lại hiệu quả bước đầu, các chuyên gia giao thông cho rằng Hà Nội vẫn cần tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng giao thông một cách đồng bộ. Đồng thời, việc đầu tư mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng như xe buýt nhanh (BRT) và đường sắt đô thị (metro) cũng là yếu tố then chốt giúp giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
Bích Phương