Bài 4: Tinh thần vì dân còn...điểm nghẽn

28/11/2023 10:21 AM

(Chinhphu.vn) - Không phải ngẫu nhiên mà ba năm liên tiếp gần đây, TP. Hà Nội đều chọn chủ đề năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Điều đó xuất phát từ thực tế, có nơi có chỗ cán bộ còn chậm đổi mới, đùn đẩy né tránh trách nhiệm, tinh thần vì dân, phục vụ nhân dân chưa được thực hiện triệt để...

Bài 4: Tinh thần vì dân còn...điểm nghẽn- Ảnh 1.

Cần nghiêm túc trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh minh họa

Chưa quyết liệt trong giải quyết vụ việc

Sau hơn 6 năm phải đi ở nhờ tại Khu tập thể Trường Trung học cơ sở thị trấn Quốc Oai, bà Bùi Thị Thanh, ở tổ dân phố Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai đã có ngôi nhà của riêng mình khi vừa được chính quyền địa phương cấp cho mảnh đất, còn hỗ trợ một khoản kinh phí để xây nhà.

Sự chậm trễ này bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết đơn, thư của công dân. Vụ việc đã tồn tại 6 năm không được giải quyết cho tới hồi tháng 7/2023, bà Thanh được mời lên trụ sở Ban Tiếp công dân UBND TP. Hà Nội (số 34 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) gặp đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Vụ việc ngay từ đầu đã có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết; chưa kể, đây còn là tình cảm, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với gia đình người có công với cách mạng. Thế nhưng, chỉ khi đến tay đồng chí Bí thư Thành ủy mới được xử lý dứt điểm với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là sự phối hợp trách nhiệm của chính quyền huyện Quốc Oai với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo báo cáo mới nhất của UBND TP. Hà Nội, năm 2023, toàn Thành phố đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền trên 4.000 vụ khiếu nại, tố cáo, tăng 21,3%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử lý hành chính 9 tổ chức, 67 cá nhân để xảy ra sai phạm.

UBND Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài theo Nghị quyết của HĐND và Thanh tra Chính phủ, kết quả còn 23 vụ việc. 

Nguyên nhân khách quan tồn đọng các vụ khiếu nại, tố cáo  chủ yếu là do tính chất phức tạp của vụ việc. Một số vụ việc kéo dài theo thời gian, cơ chế chính sách pháp luật có sự thay đổi nên khó tổ chức thực hiện hoặc không có tính khả thi khi tổ chức thực hiện. Ngoài ra, một số quận, huyện, thị xã chỉ đạo chưa quyết liệt, không phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân nên việc giải quyết, tổ chức thực hiện các vụ việc còn chậm.

Một điểm rất đáng chú ý là cấp ủy, chính quyền một số nơi còn chưa quyết liệt chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc ngay từ khi mới phát sinh.

Trong khi đó, các ý kiến, kiến nghị và đơn thư của người dân trên địa bàn Hà Nội có tới trên 70% là liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Việc tăng cường tiếp công dân, đối thoại với công dân và xử lý ý kiến, kiến nghị của công dân chính là "chìa khóa" để các cấp ủy, chính quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, qua đó tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

UBND TP. Hà Nội đã thẳng thắn nhận định, trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, một số đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền còn chưa quyết liệt chỉ đạo nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc ngay từ khi phát sinh, ngay tại cơ sở.

Một số vụ việc KNTC giải quyết còn chậm, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các cấp có thẩm quyền trong quá trình giải quyết dẫn đến việc người dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo có hiệu lực pháp luật ở một số địa phương còn chậm, còn thiếu kiên quyết gây phát sinh khiếu nại, tố cáo, bức xúc trong nhân dân.

Hồ sơ ngâm, doanh nghiệp chờ "dài cổ"

Không chỉ chậm trễ trong việc giải quyết các khiếu nại của công dân, công tác đầu tư công và tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố tại nhiều nơi còn trì trệ, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Điển hình như dự án cải tạo, thoát nước sông Pheo tại quận Bắc Từ Liêm kéo dài đến hơn 10 năm dẫn đến ô nhiễm môi trường, tái lấn chiếm phức tạp. Công tác giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến tiến độ, rồi khi giải phóng mặt bằng hoàn thành thì việc thi công quá chậm.

Không ít dự án khác cũng có tiến độ rất ì ạch, như nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; cải tạo, khôi phục sông Tích... trong khi đó, các vấn đề về nhu cầu nước sạch, úng ngập mùa mưa vẫn mỗi ngày làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân Thủ đô.

Bên cạnh vướng mắc chủ yếu do giải phóng mặt bằng, năng lực quản lý và năng lực nhà thầu, thì vẫn có những việc không rõ trách nhiệm của ai. Có những nơi, có những việc vẫn khá "đủng đỉnh", thậm chí rất chậm. Có dự án "nằm" cả năm trời ở bàn làm việc của chuyên viên Sở, ngành; hồ sơ bị "ngâm" lâu trong khi doanh nghiệp, người dân ngóng "dài cổ".

Tại Hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đã chỉ rõ, còn một bộ phận cán bộ, công chức là chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng có tâm lý "bàn lùi", "không làm thì không sai"; không dám tham mưu, đề xuất, thậm chí không dám quyết định những nội dung công việc thuộc thẩm quyền; tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị khác; thiếu chủ động tham mưu hoặc tham mưu "lòng vòng", không nêu rõ quan điểm...

Vai trò, trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn yếu kém, thiếu quyết liệt, thiếu sâu sát, sa đà vào công việc có tính sự vụ, thiếu tầm nhìn, tư duy chiến lược; chưa đổi mới, sáng tạo; chưa có khát vọng đưa cơ quan, đơn vị, địa phương mình và Thành phố vươn lên; chưa thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Khi làm việc tại cơ sở, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cũng ghi nhận, còn tình trạng một số vụ việc địa phương thực hiện rất chậm. Ví dụ như cùng giải quyết vấn đề đất dịch vụ, huyện Mê Linh có chuyển biến rất tốt nhờ đội ngũ cán bộ chủ động thực hiện, trong khi quận Hà Đông thực hiện rất chậm, việc xử lý các vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng cũng chưa quyết liệt. Địa bàn quận vẫn còn hơn 10 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ những năm trước chưa được xử lý dứt điểm.

Cùng với đó, việc thực hiện nhiều kết luận thanh tra, kiểm tra của Trung ương, Thành phố cũng bị chậm so với yêu cầu.

Nguyên nhân tình trạng này được Quận ủy Hà Đông nêu là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số cấp ủy, chính quyền có lúc, có việc chưa kịp thời, còn lúng túng, bị động; khi phát hiện vấn đề khó khăn, đột xuất thì chưa đề ra giải pháp hiệu quả.

Một bộ phận cán bộ công chức của quận có bản lĩnh chính trị, năng lực hạn chế, tinh thần làm việc chưa cao, không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật.

Đây là lý do khiến cho Thành phố còn không ít hạn chế, bất cập. Chỉ số cải cách hành chính của Thành phố năm 2022 được cải thiện, tăng bảy bậc, xếp thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành phố, nhưng các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm. Nguồn lực từ công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa được khơi thông.

(Còn nữa)

Gia Huy-Song Linh

Top