Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp

16/05/2023 10:52 AM

(Chinhphu) - Hà Nội đang chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có năng lực thực thi nhiệm vụ và năng lực thực thi nhiệm vụ ở một số lĩnh vực trọng tâm.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh: VGP

Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025", trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững

Trong giáo dục phổ thông, ngành GD&ĐT tập trung xây dựng quy hoạch phát triển ngành, Quy hoạch mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cập nhật vào Quy hoạch chung của thành phố Hà Nội. Năm học 2022 – 2023, toàn Thành phố có có 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm GDNN-GDTX và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với trên 65.190 lớp; trên 2,1 triệu học sinh; trên 138.900 giáo viên; trên 67.400 phòng học.

Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định. Toàn Thành phố hiện có 23 trường chất lượng cao được công nhận, trong đó có 17 trường công lập và 06 trường ngoài công lập.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm triển khai, đến nay đã công nhận thêm 215 trường và công nhận lại được 273 trường các cấp. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 58,6% (1.641/2.800), trong đó công lập là 72,2% (1.622/2.248 trường). Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) ngành giáo dục và đào tạo được xây dựng và đi vào hoạt động, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác chuyển đổi số. Hà Nội là một trong 4 địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp

Về công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, đến nay, mạng lưới cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp: hiện có 308 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 68 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 36 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 18 Trung tâm GDNN-GDTX và 127 doanh nghiệp, các loại hình khác. Thực hiện kiểm tra đối với 112 lượt đơn vị, ra quyết định, thông báo thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với 36 đơn vị, xử phạt đối với 01 đơn vị.

Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo 693.241/445.000 lượt người, đạt 106,61% so với kế hoạch đề ra. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa…

Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm, đạt từ 71,1% năm 2021 lên 72,23% năm 2022 (tăng 1,13%). Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 50,2% năm 2021 lên 52,5% năm 2023 (tăng 2,3%).

Công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp: các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 2.500 lượt doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng. Kết quả tuyển sinh, đào tạo trong những năm gần đây đã khẳng định chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô ngày càng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường lao động.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Ban chỉ đạo chương trình 06 đã hướng dẫn cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp.

Thành phố Ban hành Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030"; bồi dưỡng Đại biểu HĐND các cấp; bồi dưỡng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch và công chức các chức danh khác thuộc các phường trong triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm trên địa bàn Thành phố.

Về công tác tuyển dụng công chức, viên chức, Hà Nội đã tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật, trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng, phát triển Thủ đô.

Theo đó, đã phê duyệt, tiếp nhận vào làm công chức với 105 trường hợp, thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ 36 chỉ tiêu; khắc phục tồn tại trong tuyển dụng đối với công chức và viên chức; tổ chức 03 đợt sát hạch tiếp nhận 87 người đủ điều kiện vào làm việc, công nhận kết quả trúng tuyển đối với 73 người; tổ chức 02 kỳ thi tuyển công chức làm việc tại Sở, cơ quan tương đương sở, UBND quận, huyện, thị xã với 2.751 thí sinh tham dự, có 310 thí sinh trúng tuyển.

Trong thời gian tiếp theo, Hà Nội chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo chất lượng, hiệu quả góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao và năng lực thực thi nhiệm vụ ở một số lĩnh vực trọng tâm của Thành phố như: Xây dựng và quản lý đô thị (Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Giao thông vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường); ứng dụng công nghệ thông tin (Quản lý đất đai, văn thư lưu trữ, Địa chính - xây dựng - đô thị và môi quản lý trường học, quản lý bệnh viện); Khoa học và công nghệ, Quản lý nhân lực, đồng thời nêu cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

Gia Huy

Top