Dấu ấn thúc đẩy công nghiệp nông thôn
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, nhiều sự kiện về hàng lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề… được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội chính là cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối kinh doanh; tạo dấu ấn thúc đẩy công nghiệp nông thôn.
Nhiều hoạt động khuyến công tiêu biểu
6 tháng đầu năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (IDC Hanoi) đã tham mưu Sở Công Thương Hà Nội ban hành 13 văn bản liên quan đến lĩnh vực khuyến công, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động mang dấu ấn đối với lĩnh vực này.
Cụ thể, trong chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã tổ chức thành công Hội chợ Hàng lưu niệm Thủ đô năm 2024 (Hanoi Great Souvenirs 2024) từ ngày 25/4/2024 đến ngày 28/4/2024 tại Bảo tàng Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, hội chợ Hàng lưu niệm Thủ đô năm 2024 được tổ chức nhằm hỗ trợ cho các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, nghệ nhân trưng bày và giới thiệu, quảng bá sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ đậm đà bản sắc văn hóa của các làng nghề truyền thống Hà Nội.
Bên cạnh đó, hội chợ còn là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất các mặt hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Thành phố tham gia các hoạt động kết nối giao thương; đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu có chất lượng cao, hình thành chuỗi sản xuất – tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa nông thôn bền vững.
Tiếp đó là Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc - Hà Nội năm 2024 diễn ra từ ngày 16/5/2024 đến ngày 19/5/2024 tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia. Hội chợ là cơ hội để các địa phương tăng cường liên kết tỉnh, liên kết vùng; góp phần thúc đẩy công nghiệp, thương mại và du lịch của Hà Nội cũng như khu vực phía Bắc bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tại Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô năm 2024 (tại 176 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội), tháng 6/2024 đã tổ chức Triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngành sơn mài - khảm trai - đồ gỗ điêu khắc năm 2024, góp phần tăng cường mối liên kết giữa người thiết kế - thợ thủ công - nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng, đồng thời là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu có thế mạnh của các làng nghề truyền thống của các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đến với công chúng.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hoàng Minh Lâm cho biết, những tháng cuối năm 2024, Trung tâm tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch khuyến công Thành phố năm 2024. Trong đó, tổ chức Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2024 (Hanoi Giftshow 2024); tổ chức Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2024; triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2024; các hoạt động triển lãm chuyên đề tại Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô.
Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ và hàng quà tặng Việt Nam (Hội chợ Lifestyle 2024) tại TPHCM; Hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm chuyên ngành trong nước và quốc tế; Hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn; Triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Tích cực phối hợp để đẩy mạnh hoạt động khuyến công
Đánh giá về kết quả hoạt động khuyến công, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, qua hoạt động khuyến công với một phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư kinh phí để thực hiện các nội dung nhằm đẩy mạnh và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện công tác khuyến công, khuyến công Hà Nội phấn đấu năm 2024, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ hồi phục và tăng trưởng 6-8%/năm; tạo ra 650-800 mẫu thiết kế mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ 600-650 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế; hỗ trợ 10-15 cơ sở đầu tư thiết bị mới tiên tiến hiện đại vào sản xuất; khoảng 2.000-2.500 học viên là lãnh đạo, quản lý của cơ sở công nghiệp nông thôn được nâng cao năng lực quản lý.
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác khuyến công, thành phố Hà Nội đã rút ra được nhiều kinh nghiệm thực tiễn như việc xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ chương trình khuyến công phải được phân công, phân cấp cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong việc thực hiện hoạt động khuyến công. Sở Công Thương là cơ quan giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khuyến công; Trung tâm Khuyến công là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công. Bên cạnh đó cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức dịch vụ khuyến công như các hiệp hội ngành nghề để triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công.
Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép và các nội dung của các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có, như: Phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, Chương trình mỗi xã một sản phẩm...
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể xã hội trong chỉ đạo, điều hành phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến công. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai hoạt động khuyến công; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình đảm đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật và Thành phố.
Hằng năm ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình khuyến công bám sát nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn và khả năng cân đối ngân sách. Chủ động đề xuất, tham mưu điều chỉnh Kế hoạch khuyến công giai đoạn, hàng năm phù hợp với chính sách liên quan và tình hình thực tế theo đúng quy định, nâng cao hiệu quả Chương trình; Tập trung ưu tiên các nội dung mới có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển công nghiệp nông thôn.
Thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Thành phố trong lĩnh vực khuyến công; việc lựa chọn doanh nghiệp, cơ sở thụ hưởng đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo sự gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông để các cơ sở công nghiệp nông thôn nắm bắt và chủ động tham gia Chương trình. Tăng cường ứng dụng dựa trên các nền di động, công nghệ thông tin thông minh, thương mại điện tử trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tăng cường công tác phối hợp với Cục Công Thương địa phương, các Cục vụ của Bộ Công Thương, các Sở Công thương các tỉnh, thành phố, các sở ngành TP. Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn để triển khai hiệu quả Chương trình khuyến công.
Diệu Anh