Dấu ấn về cải cách hành chính của thành phố Hà Nội năm 2023

31/12/2023 10:04 AM

(Chinhphu.vn) - Năm 2023 đánh dấu một năm đầy nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền TP. Hà Nội trong công tác cải cách hành chính, với nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, được Trung ương và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ số PARINDEX năm 2022 của Thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dấu ấn về cải cách hành chính của thành phố Hà Nội năm 2023- Ảnh 1.

Giải quyết TTHC cho người dân tại bộ phận "một cửa" UBND quận Hai Bà Trưng. Ảnh: VGP/MInh Anh

 Đi đầu trong phân cấp, ủy quyền

Thực hiện Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 22/7/2022 của UBND Thành phố về việc xây dựng "Đề án đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền" và Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 của HĐND Thành phố về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.Hà Nội. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND Thành phố đã phối hợp các Sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp, xây dựng Phương án phân cấp, ủy quyền thực hiện TTHC trên địa bàn Thành phố.

Ngày 12/9/2022, tại kỳ họp thứ 9, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.Hà Nội, trong đó có có phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn Thành phố (Nghị quyết số 23/NQ-HĐND).

Ngày 22/11/2022, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4610/QĐ-UBND phê duyệt Phương án ủy quyền trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của UBND TP.Hà Nội. Phương án trên có tính nguyên tắc, phù hợp với quan điểm, định hướng, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND Thành phố. Theo đó, có 617 phương án ủy quyền giải quyết của 613 TTHC trong tổng số 1.910 TTHC toàn Thành phố tại thời điểm Quyết định, đạt 37%.

Trên cơ sở phương án được phê duyệt, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và pháp luật liên quan để ban hành các quyết định cá biệt để ủy quyền việc giải quyết TTHC cụ thể trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể (điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác).

Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, sau một năm triển khai thực hiện Quyết định số 4610/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 của UBND Thành phố, đến nay, Hà Nội đã ban hành Quyết định ủy quyền đối với 574/613 TTHC đạt 94% trên số TTHC có phương án và đã tham mưu UBND Thành phố công bố TTHC đối với 574 TTHC được ủy quyền (đạt tỷ lệ 100%), phê duyệt 578 quy trình nội bộ đạt tỷ lệ 100%, (do 04 TTHC có ủy quyền về 2 đơn vị thực hiện). Đối với 39 TTHC chưa ủy quyền do vướng mắc, khó khăn đều đang thực hiện theo quy trình nội bộ TTHC đã được Thành phố ban hành theo quy định.

Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, thực hiện phương án ủy quyền trên địa bàn Thành phố, đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, thời gian công dân, doang nghiệp di chuyển đi làm TTHC; một số lĩnh vực tiếp nhận và giải quyết số hồ sơ lớn như: Lĩnh vực tư pháp (88.698 hồ sơ); Tài nguyên môi trường (86.682 hồ sơ); y tế (1.239.990 hồ sơ); xây dựng, Giáo dục, khoa học công nghệ và kế hoạch đầu tư…

"Đặc biệt, việc ủy quyền TTHC của Hà Nội được Trung ương đánh giá cao, tại Hội nghị về công tác CCHC quý III của Ban chỉ đạo CCHC Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận và biểu dương Thành phố là đơn vị đi đầu trong phân cấp, ủy quyền TTHC, nhiều địa phương đến học tập trao đổi kinh nghiệm như Cần Thơ, Bắc Giang…", Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho hay.

Tại Hội nghị về rà soát, đề xuất phương án ủy quyền thủ tục hành chính năm 2024 trên địa bàn Thành phố mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cũng nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố luôn chỉ đạo quyết liệt và sâu sát việc tăng cường, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố, trên tinh thần đề xuất đột phá về phân cấp, ủy quyền, nhưng đồng thời cũng cần phải làm thận trọng từng bước để đảm bảo sự vận hành ổn định, thông suốt của hệ thống bộ máy hành chính của Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, cần phải đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền thực hiện TTHC theo hướng"Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực", bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mang lại những lợi tích thiết thực nhất cho người dân được thụ hưởng.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tiến hành rà soát, khảo sát bảo đảm các điều kiện tiếp nhận ủy quyền hoặc phân cấp của các đơn vị được ủy quyền hoặc phân cấp; kiện toàn tổ chức bộ máy, phân công cụ thể trách nhiệm tổ chức thực hiện cho các đơn vị trực thuộc.

Thúc đẩy phát triển chính quyền số

Dấu ấn về cải cách hành chính của thành phố Hà Nội năm 2023- Ảnh 2.

Khai trương hệ thống họp trực tuyến cho Cục THADS và 30 Chi cục THADS quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Ảnh: VGP/Minh Anh

Song song với các nhiệm vụ về cải cách thể chế, cải cách TTHC, năm 2023, TP. Hà Nội cũng xác định ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC. Ngày 30/12/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 01/3/2023 về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng TP.Hà Nội năm 2023; Kế hoạch số 239/KHUBND ngày 27/9/2023 của UBND Thành phố về chuyển đổi số xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, Thành phố tiếp tục tập trung xây dựng CSDL điện tử để làm cơ sở xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành việc cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản mới nhất, hoàn thành việc xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP); xây dựng, ban hành 05 quy định quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin (HTTT)/cơ sở dữ liệu (CSDL) của Thành phố.

Dấu ấn về cải cách hành chính của thành phố Hà Nội năm 2023- Ảnh 3.

Lấy số thứ tự thực hiện TTHC cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện Đông Anh

Cụ thể gồm: (1) Quyết định số 2223/QĐ-UBND ngày 14/4/2023 về quy chế bảo đảm ATTT mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội; (2) Quyết định số 1643/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 về ban hành quy chế quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thư điện tử thành phố Hà Nội; (3) Quyết định số 4267/QĐ-UBND ngày 25/8/2023 về ban hành quy chế quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin báo cáo thành phố Hà Nội; (4) Quyết định số 3478/QĐ-UBND ngày 04/7/2023 về ban hành Danh mục dữ liệu mở của thành phố Hà Nội làm cơ sở triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ về dữ liệu mở; (5) Quyết định số 3461/QĐ-UBND ngày 03/7/2023 về việc bổ sung mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND thành phố Hà Nội tại Quyết định số 2918/QĐ-UBND ngày 17/8/2022; chỉ đạo tăng cường việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị trên Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của Cổng DVC quốc gia; chỉ đạo thực hiện cấp căn cước công dân gắn chíp và kích hoạt tài khoản định danh đệ tử mức 2, hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân và định danh điện tử trên toàn Thành phố.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, kết quả, trong năm 2023, Thành phố đã đưa vào và vận hành chính thức 04 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: (1) Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; (2) Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; (3) Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; (4) Ứng dụng quản lý cuộc họp Ban cán sự đảng UBND Thành phố, UBND Thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

Ngoài ra, theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin và an ninh mạng được đảm bảo, Thành phố đang rà soát một số huyện (Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì) khó khăn về nguồn lực để hỗ trợ bổ sung, nâng cấp hạ tầng mạng nội bộ, trang thiết bị CNTT tại trụ sở UBND và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã phục vụ công tác CCHC và triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Các hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực: giao thông - vận tải, xây dựng, nông nghiệp, đầu tư, tài chính,.... được thành phố giao các Sở, ngành triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định. Việc phát triển các hệ thống hoạt động điều hành nội bộ, ứng dụng dịch vụ người dân và doanh nghiệp tiếp tục được Thành phố quan tâm đầu tư, triển khai.

Dấu ấn về cải cách hành chính của thành phố Hà Nội năm 2023- Ảnh 4.

Người dân đánh giá hài lòng về thái độ phục vụ của công chức bộ phận "một cửa" UBND huyện Mỹ Đức.Ảnh: VGP/Minh Anh

Thành phố đã hoàn thành hạng mục thuê dịch vụ công nghệ thông tin; thực hiện rà soát các hiệu năng tính năng của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố theo các quy định hiện hành; kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư theo yêu cầu Đề án 06 của Chính phủ; kết nối với VNPost; tổng đài, tin nhắn SMS; đẩy mạnh kê khai thuế điện tử, kết quả 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; triển khai ứng dụng eTax Mobile trên thiết bị thông minh của người nộp thuế với tổng số lượng tài khoản sử dụng là 183.430..; triển khai các nhiệm vụ về việc cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử và đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đạt 99,99%; 

Bên cạnh đó, duy trì và vận hành ổn định hệ thống giao ban trực tuyến, hệ thống hòm thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp; hệ thống thông tin báo cáo, triển khai cấp chữ ký hơn 39 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện TTHC, giao dịch điện tử; thực hiện tiếp nhận phản ánh, kiến nghị qua kênh Zalo với 425 phản ánh kiến nghị (PAKN), trong đó: 243/425 PAKN liên quan đến công tác giải quyết TTHC đã được chuyển đến cơ quan chuyên môn để giải quyết và phản hồi cho người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ hoàn thành 100%; 182 PAKN liên quan tới khiếu nại, tố cáo, các phản ánh về môi trường, rác thải, ô nhiễm...

Thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện việc số hóa, điện tử hóa toàn trình đối với hồ sơ thủ tục hành chính từ khâu tiếp nhận, thụ lý, giải quyết, trả kết quả trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố theo đúng quy định. Thực hiện luân chuyển toàn trình hồ sơ đầu vào đối với 100% hồ sơ thủ tục hành chính, thủ tục hành chính liên thông trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố từ ngày 2/1/2024.

Thực hiện việc ký số của người có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng bản điện tử kết hợp với bản giấy, số hóa các hồ sơ liên thông giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 2/1/2024.

Phát huy những kết quả đạt được của năm 2023, bước sang năm 2024, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền TTHC trên địa bàn Thành phố; tiếp tục triển khai Đề án 06 của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước Thành phố;

Cùng với đó, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp trên địa bàn Thành phố; các trang tin điện tử cho cấp xã, đặc biệt là Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TTHC; đẩy mạnh ứng dựng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính Thành phố; hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cung cấp DVCTT và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch và giải quyết TTHC, tích hợp đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Minh Anh

Top