Hà Nội thực hiện đồng bộ các biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu
(Chinhphu.vn) - Để thích ứng với biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng, TP. Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các biện pháp, từ việc cải thiện hạ tầng đến nâng cao ý thức cộng đồng, nhằm xây dựng một Thủ đô không chỉ chống chịu được thiên tai, mà còn phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên.
Sẵn sàng ứng phó để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại
Để chủ động phòng ngừa các tình huống có thể xảy ra, ngay từ đầu năm 2024, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt tới các cấp, các ngành nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện các chương trình, phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị.
Cụ thể, cùng với tổng kết và triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thiện việc kiện toàn bộ máy chỉ huy, chỉ đạo; 579/579 xã phường thị trấn đã kiện toàn tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với sự tham gia của trên 60.000 người với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, dự bị động viên, có sự tham gia của lực lượng khác như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ...
UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã triển khai công tác chuẩn bị kiểm tra, rà soát lực lượng, vật tư, phương tiện và hậu cần theo phương châm "4 tại chỗ"; hoàn thành công tác kiểm tra, đánh giá số lượng, chất lượng vật tư, trang thiết bị, báo cáo kiểm kê trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, báo cáo kiểm kê vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão trước mùa lũ năm 2024; xây dựng triển khai kế hoạch mua sắm, bổ sung; đánh giá hiện trạng công trình đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai trước mùa mưa lũ năm 2024. Từ đó xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, sẵn sàng khi có tình huống thiên tai, sự cố xảy ra.
Để bảo đảm an toàn công trình đê điều, UBND thành phố Hà Nội cũng đã tăng cường thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, bờ bãi sông. Kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng công trình đê điều, báo cáo, đề xuất xử lý kịp thời.
Cùng với đó, thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác quản lý đầu tư, xây dựng và duy tu bảo dưỡng, nâng cấp đê điều và duy tu bảo trì hệ thống thủy lợi. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn thành phố có 89 hồ chứa nước thủy lợi, 461 bai, đập dâng, 1.984 trạm bơm điện với 4.413 máy bơm các loại; 2.433 tuyến kênh mương với tổng chiều dài 3.617,03km.
Cơn bão số 3 Yagi vừa qua đổ bộ vào Hà Nội đã mang đến những thiệt hại nghiêm trọng. Không chỉ gió giật, mưa lớn gây ngập úng cục bộ ở nhiều khu vực, mà sự suy giảm hệ sinh thái tự nhiên cũng khiến thành phố dễ bị tổn thương hơn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tần suất các cơn bão mạnh và hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gia tăng, đây là một dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đang trở nên ngày càng khắc nghiệt.
Ngoài bão lũ, Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều hệ quả khác của biến đổi khí hậu, bao gồm nắng nóng kéo dài và ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Các đợt nắng nóng cực đoan có thể khiến nền nhiệt độ cao hơn 40°C, gây căng thẳng về sức khỏe cho người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất khoảng 12 - 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030. Và với vai trò là Thủ đô – Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Hà Nội nguy cơ sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề.
Hành động mạnh mẽ để thích ứng với biến đổi khí hậu
Trước những thách thức đó, các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường ý thức cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần đánh giá hiện trạng và đưa ra giải pháp hoàn thiện hệ thống hạ tầng môi trường. Để đối phó với ngập lụt, thành phố Hà Nội đã đầu tư vào các dự án thoát nước và xây dựng các hồ điều hòa. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn chưa đủ sức đối phó với những trận mưa có lượng mưa lớn và thời gian dài như đợt bão Yagi vừa qua.
Ngoài ra, Hà Nội cần đầu tư thêm vào các giải pháp chống ngập úng, xây dựng hồ điều hòa và hệ thống cây xanh đô thị là điều cấp thiết để cải thiện tình hình ngập lụt tại Hà Nội trong thời gian tới.
Một phần quan trọng trong việc thích ứng là nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần chiến dịch tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu sử dụng nhựa. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động như trồng cây xanh, bảo vệ không gian công cộng là cần thiết để xây dựng một cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường cao hơn.
Ngoài các biện pháp ngắn hạn, phát triển kinh tế xanh bền vững là một giải pháp dài hạn. Hà Nội đã khởi xướng nhiều mô hình kinh tế xanh, bao gồm các khu công nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái. Những dự án này không chỉ giảm tác động tiêu cực đến môi trường mà còn góp phần tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ước tính, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái có thể có thể giảm 7,2% tổng lượng phát thải khí nhà kính và giảm gần 1/6 lượng nước tiêu thụ công nghiệp, với tổng nhu cầu đầu tư 12,9 tỉ USD và doanh thu tiềm năng 4,9 tỉ USD hằng năm. Việc này được đánh giá sẽ góp phần vào mục tiêu phát thải ròng về 0 của quốc gia.
Chính quyền Thủ đô nhiều lần nhấn mạnh, phát triển kinh tế xanh, bền vững là con đường tất yếu để bảo đảm cho Hà Nội phát triển hài hòa, hiện đại và văn minh. Hà Nội không thể chỉ tập trung vào giải quyết hậu quả mà cần phải có tầm nhìn dài hạn và chiến lược thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia môi trường, Hà Nội cần chú trọng hơn nữa vào việc áp dụng các công nghệ xanh trong quản lý đô thị, kết hợp giữa giải pháp hạ tầng và ý thức cộng đồng. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai mà còn tạo dựng một thành phố bền vững và đáng sống.
Đối với ngành nông nghiệp, dự báo trong tương lai, các xu thế tác động biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh và phức tạp hơn, đây được coi là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu.
Hiện tại ngành nông nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các huyện trên địa bàn thành phố đang mở rộng những mô hình có áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; xây dựng và cấp chứng nhận các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong đó dành nguồn lực ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ, sản phẩm OCOP. Cùng với đó, nhân rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình đã được khẳng định trên thực tế nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%.
Mặt khác, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản song song với nâng cao năng lực dự báo thị trường, tăng kết nối với công nghiệp chế biến, chuỗi tiêu thụ sản phẩm và thị trường xuất khẩu. Đồng thời, việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ để điều chỉnh các hoạt động sản xuất, phong tục tập quán của người dân trước những thay đổi của khí hậu cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Từ những bài học rút ra sau cơn bão Yagi, chúng ta càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Mỗi người dân cần góp sức, chung tay với các chiến dịch cộng đồng, những dự án kinh tế xanh… Cùng với quyết tâm của cả chính quyền sẽ là nền tảng vững chắc để Thủ đô Hà Nội phát triển toàn, diện, xanh, sạch, đẹp bền vững.
Thùy Chi