Phát triển hạ tầng giao thông: Cú hích tăng trưởng bất động sản Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, cùng với quy hoạch, chính sách ưu tiên đầu tư; động lực từ các doanh nghiệp lớn thì hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng, giúp mở rộng không gian phát triển của vùng Thủ đô và là cú hích giúp tăng trưởng bất động sản.
Đòn bẩy từ hạ tầng giao thông
Phát triển hạ tầng là vấn đề được kỳ vọng sẽ có nhiều bứt phá trong năm nay 2023 với những cam kết và hành động quyết liệt của Chính phủ, bộ ngành và các địa phương nhằm giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, giao thông là lĩnh vực được phân bổ nhiều vốn đầu tư công nhất trong năm nay, với tổng giá trị khoảng hơn 94.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với kế hoạch năm 2022.
Hiện nay, Hà Nội đang quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó 5 tuyến vành đai chính là 1, 2, 3, 4, 5 và 2 tuyến vành đai hỗ trợ 2,5 và 3,5. Trong đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội đang được thành phố triển khai.
Cụ thể, Vành đai 2 Hà Nội theo quy hoạch dài hơn 43 km, chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh - Vĩnh Tuy, tạo thành vành đai khép kín. Đến nay, Vành đai 2 đã đầu tư hoàn thiện được 32 km, trong đó có 3 cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù.
Tuyến vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, giảm tải nằm giữa Vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây - Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông - Dương Đình Nghệ - Trung Kính - Hoàng Đạo Thúy - Vũ Trọng Phụng - Đầm Hồng - Khương Đình - Định Công - Kim Đồng - Tân Mai - Đền Lừ - Lĩnh Nam. Dự án có 13 đoạn, hiện Hà Nội đã hoàn thành 4 đoạn tuyến, còn lại 9 đoạn đang trong giai đoạn đầu tư và chờ đầu tư.
Với nguồn vốn được phân bổ cho năm 2023 là gần 47 nghìn tỷ đồng, tại Hà Nội, hàng loạt các dự án nhóm A sẽ được triển khai thi công trong năm 2023 như: Đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hợp long các nhịp chính dự án cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2 trước ngày 30/6 và tập trung thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành trước ngày 2/9….
Đặc biệt, quyết tâm của thành phố là bảo đảm khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội vào tháng 6 tới đây và hoàn thành trước năm 2027.
Là công trình trọng điểm quốc gia, đường vành đai 4 đã được Quốc hội thông qua mức kinh phí lên tới hơn 85 nghìn tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài hơn 112 km, được đánh giá sẽ tạo mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Hà Nội, liên kết toàn bộ các trục hướng tâm, phân bổ theo các hướng của vùng Thủ đô, giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế, giao thương phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Với vành đai 4 và hàng loạt công trình trọng điểm đang triển khai, giới chuyên gia tin tưởng, thị trường bất động sản sẽ nhận được đòn bẩy mạnh mẽ. Cùng với sự hồi phục của thị trường, giá bất động sản tại các khu vực tiềm năng sẽ có cơ hội lớn để gia tăng giá trị.
Thị trường bất động sản hưởng lợi từ phát triển hạ tầng
Một cuộc khảo sát thực tế của CBRE Việt Nam cho thấy, mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư khi rót vốn tại những khu vực trung tâm là khả năng lưu thông. Lý do bởi phần lớn khách hàng đều đặt tiêu chí ưu tiên khi mua nhà ở chính là những bất động sản có vị trí thuận tiện, dễ dàng di chuyển và khả năng kết nối tới khu vực lân cận.
Đặc biệt, những bất động sản nằm ở khu vực trung tâm được hưởng lợi từ các công trình giao thông lớn sẽ mang đến cuộc sống chất lượng, tiện nghi hơn.
Trên thực tế, bất động sản, giá đất tăng theo sự phát triển của cơ sở hạ tầng là một điều dễ hiểu, bởi một con đường mới hình thành sẽ giúp hoạt động giao thương tại khu vực đó trở nên thuận tiện hơn, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Với lợi thế áp sát trung tâm Hà Nội, khu Đông Hà Nội đang được hưởng lợi kép khi kế cận cả 2 tuyến vành đai.
Nếu như thời gian trước, bất động sản phía Tây Hà Nội được xem là khu vực phát triển sôi động bậc nhất của Thủ đô, thì trong 3 – 4 năm trở lại đây, mọi sự quan tâm của thị trường đang đổ về khu vực phía Đông với một sức nóng rất lớn. Bất động sản phía Đông Hà Nội đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về nguồn cung, giá bán và thanh khoản.
Báo cáo xu hướng thị trường trung – cao cấp Hà Nội năm 2023, triển vọng 2023 – 2025 do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) công bố cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2022, giá chung cư sơ cấp toàn Hà Nội tăng đều qua các năm.
Đáng chú ý, khu Đông mở rộng của Hà Nội có mức tăng giá nhiều nhất thị trường. Cụ thể, Văn Giang – Hưng Yên là khu vực có mức tăng giá cao nhất, đạt 29%/năm, tiếp theo đó là khu Đông Hà Nội (bao gồm Long Biên, Gia Lâm) tăng 16%/năm. Mức độ tăng giá này vượt xa so với các khu vực khác như phía Tây và phía Bắc Hà Nội chỉ tăng trung bình 7%/năm.
Điều này đang cho thấy sức nóng rất lớn về giá của khu vực phía Đông Hà Nội. Đáng chú ý, ngay cả trong bối cảnh thị trường trầm lắng, giá chung cư mở bán mới tại khu vực phía Đông vẫn ghi nhận mức giá tăng nhẹ. Một số dự án tiêu biểu ảnh hưởng lớn đến giá trung bình trên thị trường của phân khúc này chủ yếu đến từ hai khu đô thị Vinhomes Ocean Park (tăng 30%), Masteri Waterfront (tăng 26%).
Chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực phía Đông Hà Nội đã "thay da đổi thịt" với cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhiều tuyến đường, cây cầu mới được nâng cấp và mở rộng kéo theo sức hút của bất động sản.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản phân tích, bất động sản khu Đông đang trên đà tăng trưởng, bởi khu Đông đang sở hữu mạng lưới đường bộ quy mô và đồng bộ khi kết nối trực tiếp hàng loạt tuyến cao tốc, quốc lộ huyết mạch đi tất cả các hướng.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, khu Đông Hà Nội không chỉ đang có nhiều đột phá về hạ tầng, quỹ đất rất lớn, mà còn có sự kết nối với các địa phương phía Bắc đang có tốc độ phát triển công nghiệp, công nghệ cao như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên. Từ đây, các bất động sản khu Đông sẽ tạo thành một mạng lưới kết nối cơ sở hạ tầng liên vùng, góp phần cực kỳ quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương và thị trường bất động sản tại những địa phương này.
Cụ thể hơn, phía Đông có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, Quốc lộ 5; phía Bắc là cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 5 kéo dài; về phía Nam có cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Quốc lộ 1A. Thông qua mạng lưới đường bộ này, việc tiếp cận các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi hay cảng biển Hải Phòng sẽ thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, nhiều công trình nghìn tỷ hòa vào mạng lưới giao thông thành phố và quốc gia như nút giao Cổ Linh, đường Lý Thánh Thông, đường đô thị song hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng... tạo điều kiện cho việc di chuyển theo nhiều hướng khác nhau.
Gần chục cây cầu kết nối 2 bờ sông Hồng đã "thăng hạng" cho hạ tầng khu Đông. Ngoài cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân đã vận hành, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hiện đạt gần 70% tiến độ, dự kiến thông xe từ quý III/2023.
Thời gian tới, hàng loạt cây cầu khác cũng được khởi công, đó là cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi (khép kín vành đai 3,5), cầu Mễ Sở (khép kín Vành đai 4)... sẽ tạo đà để bất động sản cả khu vực này bứt phá.
Bằng việc kết nối với đường vành đai, phía Đông Hà Nội dần trở thành nguồn cung chủ yếu của thị trường bất động sản Thủ đô. Với lực hút từ hạ tầng, khu vực này đã đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư lớn chưa từng có của nhiều doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Hàng loạt nhà phát triển bất động sản lớn đã rót vốn về đây như Ecopark, Vingroup..., với những dự án tầm cỡ lên tới cả tỷ USD, kiến tạo nên những đại đô thị tiện nghi, hiện đại, hạ tầng tiện ích đồng bộ.
Cũng theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông là một trong những cú hích quan trọng thúc đẩy đô thị hóa và sự tăng trưởng của thị trường bất động sản. Do đó, tất cả những khu vực có tuyến đường vành đai 4 và 3,5 đi qua, giới đầu tư đều hứa hẹn những tín hiệu tích cực. Ngoài ra, các đường vành đai không chỉ tạo nên các đô thị vệ tinh, giúp tăng nguồn cung về nhà ở vốn đang khan hiếm mà còn là cơ hội đắt giá cho các nhà đầu tư bất động sản có tầm nhìn lớn.
Thùy Chi