Tích cực liên thông thủ tục hành chính để phục vụ người dân
(Chinhphu.vn) - Nhiều sở, ngành của TP. Hà Nội đang tích cực phối hợp nhằm liên thông thủ tục hành chính phục vụ người dân, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.
Chiều 19/5, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Phùng Thị Hồng Hà chủ trì đoàn giám sát tại Sở Tài chính; Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phạm Quí Tiên đã chủ trì buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.
Trong 5 năm qua, điểm chỉ số CCHC của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) không ngừng gia tăng, từ vị trí thứ 19 (năm 2018) đã tăng liên tục qua các năm; năm 2021 xếp thứ 2/22 Sở, cơ quan tương đương Sở; năm 2022 xếp thứ 1/22 Sở, cơ quan tương đương Sở.
Kết quả này là do Sở xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Từ năm 2021 đến nay, Sở đã tham mưu trình HĐND Thành phố ban hành 10 Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực của ngành. Tổ chức triển khai các chính sách mới kịp thời, đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách và xây dựng Luật Thủ đô liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội; cung cấp các thông tin, số liệu phục vụ Báo cáo đánh giá tác động chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Sở LĐTB&XH đã phối hợp với Sở Tư pháp triển khai Quy chế phối hợp thực hiện liên thông thủ tục hành chính Cấp phiếu lý lịch tư pháp - Cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai tuyên truyền mạnh mẽ tới người dân trong việc phối hợp thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về giải quyết TTHC và những phản ánh, kiến nghị, tính đến nay, 100% thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết đều được tiếp nhận theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Trung bình mỗi tháng Sở tiếp nhận và giải quyết từ trên 4.000 hồ sơ hành chính, 100% các TTHC thực hiện tại Sở được giải quyết đúng thời gian quy định tại mỗi TTHC; tuyệt đối không tự đặt ra hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật, không được gây khó khăn, nhũng nhiễu tổ chức, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ.
Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết TTHC, chuyển đổi số được Sở LĐTB&XH nêu là tỷ lệ phát sinh hồ sơ dịch vụ công trực tuyến còn thấp, đặc biệt trong quý I năm 2023 do lỗi hệ thống phần mềm của Bộ nên người dân không nộp được hồ sơ trực tuyến. Việc đảm bảo tỷ lệ % hồ sơ được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ được xử lý theo kế hoạch của UBND Thành phố là một khó khăn đối với Ngành. Do đối tượng thực hiện TTHC của Ngành chủ yếu là người có công, bảo trợ xã hội lại hạn chế về khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin…
Tại buổi làm việc, đề cập đến một số nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch HĐND Phạm Quí Tiên yêu cầu Sở khẩn trương rà soát các thủ tục hành chính và thực hiện đơn giản hóa để triển khai; nghiên cứu liên thông thủ tục hành chính nội bộ để có sự nhất quán trong ngành từ trên xuống, làm cơ sở dữ liệu để triển khai thuận tiện.
Tại Sở Tài chính, đơn vị cho biết, kết quả triển khai công tác cải cách hành chính của Sở Tài chính được Thành phố đánh giá cao; chỉ số PAR INDEX của Sở Tài chính thuộc nhóm dẫn đầu của Thành phố; chỉ số SIPAS của Sở Tài chính luôn ở mức cao (Mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước của Thành phố đạt 100%).
Sở cũng tích cực, khẩn trương tham mưu UBND Thành phố phối hợp Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài sản công của Thành phố theo quy định, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác tổng hợp, cung cấp thông tin và lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Thành phố và các cơ quan liên quan.
Sở cũng thực hiện bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cấp phòng thông qua triển khai thi tuyển; thực hiện việc đánh giá trực tuyến hàng tháng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, tạo chuyển biến khá rõ nét, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các phòng, đơn vị; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Sở Tài chính đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động và hiệu quả phục vụ.
Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của công dân, tổ chức; việc tiếp công dân được duy trì thường xuyên, đảm bảo đúng quy định; không có phản ánh kiến nghị về thái độ ứng xử không phù hợp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Một số vấn đề còn tồn tại là tiến độ rà soát, kê khai và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với quỹ nhà chuyên dùng còn lại và các cơ sở nhà, đất thực tế sử dụng có thay đổi so với phương án được duyệt còn chậm. Số lượng đơn vị được trình, phê duyệt tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng (diện tích chuyên dùng; máy móc, thiết bị chuyên dùng) còn thấp. Việc lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Đoàn giám sát đề nghị Sở Tài chính sớm xây dựng định mức, quy chế chi tiêu nội bộ cho các đơn vị tự chủ công lập; xây dựng đơn giá, định mức với tiêu chí "tính đúng, tính đủ", bảo đảm căn cứ đặt hàng, đấu thầu, thanh lý theo quy định…; rà soát phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý; đẩy nhanh việc rà soát phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với quỹ nhà chuyên dung, nhằm sử dụng tài sản công hiệu quả.
Gia Huy