Bài 5: Lợi ích của dân phải là xuất phát của mọi quyết sách
(Chinhphu.vn) - “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” - quan điểm ấy luôn đúng trong mọi giai đoạn và càng quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi Hà Nội đang thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, đòi hỏi có sự đồng thuận, tham gia đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Phải làm gì để phát huy sức dân là câu hỏi được các cấp chính quyền Thành phố và đội ngũ cán bộ Thủ đô luôn trăn trở.

Thực hiện mô hình “Dân vận khéo trong công tác phòng cháy chữa cháy tại chỗ”. Ảnh: VGP/SL
Công tác dân vận phải là nhu cầu tự thân
Quá trình thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của Thủ đô trong những năm gần đây đã khẳng định, việc phát huy bài học "Dân là gốc", "Dân là trung tâm phục vụ" đã tạo ra một sức mạnh to lớn, góp phần quyết định đưa Thành phố vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô; đồng thời khẳng định vai trò của công tác dân vận nói riêng và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung.
Theo thống kê của Ban Dân vận Thành ủy, từ năm 2013 đến nay, có gần 96.000 mô hình "Dân vận khéo" từ cấp cơ sở đến cấp Thành phố được đăng ký triển khai (trong đó có hơn 51.800 mô hình của tập thể, hơn 44.100 mô hình của cá nhân); hàng trăm mô hình, điển hình "Dân vận khéo" được khen thưởng, nhân rộng, góp phần giải quyết nhiều việc mới, việc khó phát sinh trong thực tiễn…
Bằng chứng rõ nét nhất là trong đại dịch COVID-19, hàng trăm nghìn cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia hơn 26.000 "Tổ COVID-19 cộng đồng" ở 579 xã, phường, thị trấn, góp phần quan trọng trong việc vận động nhân dân tin tưởng, chấp hành nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch của Trung ương và Thành phố; động viên nhân dân tích cực ủng hộ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh; cùng nỗ lực đưa Thủ đô vượt qua khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, thực hiện thành công "nhiệm vụ kép", vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.
Trong việc triển khai Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, hệ thống dân vận Thành phố và 7 quận, huyện có Dự án đi qua đã vào cuộc ngay từ đầu trong việc vận động nhân dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án, ủng hộ bàn giao mặt bằng phục vụ khởi công dự án đúng tiến độ.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, cùng với sự khẳng định vững chắc vị thế của Thủ, mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ngày càng chặt chẽ, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền Thành phố tiếp tục được củng cố, nâng lên.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành phố tiếp tục xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, trong đó, lấy đoàn kết trong Đảng là yếu tố quan trọng nhất, dẫn dắt, định hướng trong việc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân; lấy mục tiêu xây dựng Thủ đô "Văn hiến, văn minh, hiện đại", khẳng định vị thế, bản sắc con người Hà Nội bản lĩnh, trí tuệ, thanh lịch, văn minh là điểm chung nhất, điểm tương đồng để dựa vào đó tập hợp các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong và ngoài nước.
"Lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi quyết sách của cấp ủy Đảng, chính quyền và cũng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Còn theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, mục tiêu công tác dân vận phải hướng tới là làm cho người dân có ý thức trách nhiệm trong tham gia đóng góp và thụ hưởng những kết quả đó. Vì thế, phải tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy để thấy công tác dân vận không chỉ là yêu cầu mà thực sự là nhu cầu tự thân và một phần không thể thiếu.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý, nếu người dân không ủng hộ, không tham gia, không tháo gỡ thì việc nhỏ cũng không làm được và "thực hiện dân vận không thể đi một mình, làm một mình mà phải kết hợp với công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức, kiểm tra, giám sát".
Bên cạnh đó, phải phát huy tính chất gắn kết của các làng, xã có hàng nghìn năm lịch sử với hệ thống hương ước đã được người dân bàn bạc, xây dựng và thống nhất để tiếp tục xây dựng nếp sống, quan tâm nghiên cứu để phát huy vai trò tự chủ, tự quản của người dân; có đề án hoặc kế hoạch phát huy mạnh mẽ hơn khoa học công nghệ, ứng dụng mạng xã hội trong công tác dân vận để tiếp nhận nhanh nhất các ý kiến của người dân cũng như phổ biến các thông tin chính thống của Trung ương và Thành phố đến người dân...
Cần lựa chọn cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, thời gian qua, các cấp chính quyền TP. Hà Nội, trong đó có Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận TP. Hà Nội, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội…đã làm rất tốt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo bài học "Dân là gốc" để lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chủ trương, nghị quyết, chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người dân, TP. Hà Nội luôn làm cho dân tin và tin dân làm.
"Việc lấy dân làm gốc, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân còn thể hiện ở vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội. Điển hình như, MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội thường xuyên tổ chức các buổi phản biện xã hội, lắng nghe những ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học về các dự thảo Luật sửa đổi, các Nghị quyết cũng như các cính sách mới liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh….Từ đó, đề xuất với cấp ủy, chính quyền điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các chế độ, chính sách phù hợp nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Tôi cho đây là điểm vận dụng khá hay và hiệu quả của Hà Nội", PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ nhấn mạnh.
Theo PGS. TS Nguyễn Chí Mỳ, thời gian tới, để tiếp tục phát huy bài học "Dân là gốc" thì chúng ta cần tập trung vào việc lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng và phản biện các cơ chế chính sách; vận hành cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"; thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", trong đó trao đổi rõ về cơ chế giám sát của nhân dân, đánh giá mức độ thụ hưởng của người dân trước những giá trị của đổi mới...
Đặc biệt, để cho dân tin, đầu tiên phải làm tốt công tác cán bộ, lựa chọn cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chịu khó lắng nghe ý kiến, phản ánh từ nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri và tiếp công dân hàng tháng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền;
Yêu cầu phát triển Thủ đô đang đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi công tác dân vận của Thành phố cần không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện.
Cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, mang tiếng nói của nhân dân đóng góp vào các nội dung trình Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp, hệ thống dân vận sẽ quan tâm củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân vận các cấp; đẩy mạnh động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động; các mô hình "Dân vận khéo" sẽ được triển khai gắn với đời sống, trong thực hiện những việc khó cần vai trò của công tác dân vận, qua đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Gia Huy-Song Linh