Đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo để đưa Thủ đô phát triển bền vững

30/04/2023 9:23 AM

(Chinhphu.vn) - Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nửa nhiệm kỳ qua tại TP. Hà Nội được đánh giá đổi mới tư duy, phong cách; phương pháp lãnh đạo đã lựa chọn đúng, trúng những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và giải quyết.

Đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo để đưa Thủ đô phát triển bền vững - Ảnh 1.

Nhiều chỉ tiêu trong Chương trình 01 của Thành ủy Hà Nội đã đạt và vượt tiến độ, trong đó có chỉ tiêu về công tác tổ chức xây dựng đảng, cải cách hành chính - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong chỉ đạo, điều hành

Trong 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2025, Chương trình số 01 về: "Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025" được coi là chương trình cốt lõi, xương sống.

Đánh giá về các kết quả chủ yếu trong thực hiện Chương trình 01 từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, một trong những kết quả nổi bật là Hà Nội đã tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị; luôn phát huy dân chủ, trí tuệ trong bàn bạc, thảo luận; tăng cường phân công, phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong chỉ đạo, điều hành.

Từ Thành ủy đến các cấp ủy các cấp đã tập trung đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo của Đảng vừa toàn diện, vừa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng, trúng vấn đề cần tập trung chỉ đạo; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Kết quả này đã giúp kết quả phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đạt kết quả tích cực, GRDP năm sau cao hơn năm trước; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,8 triệu đồng/người/năm, tăng 10,6% so với năm 2021. Quý I/2023, GRDP tăng trưởng 5,08% so với cùng kỳ (GDP cả nước tăng 3,32%)...

Nhiều chỉ tiêu của Chương trình 01 đã đạt và vượt tiến độ, trong đó có chỉ tiêu về công tác tổ chức xây dựng đảng, cải cách hành chính, nhiệm vụ thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới, chỉ tiêu cán bộ nữ, cán bộ trẻn. Năm 2021 kết nặp trên 10.000 đảng viên mới, đạt 102,9% kế hoạch năm; thành lập 93 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đạt 133%. Năm 2022 kết nạp trên 10.100 đảng viên, đạt 108% chỉ tiêu của nam; thanh lập 99 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, đạt 145,6%.

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đang triển khai ứng dụng phần mềm sổ tay đảng viên điện tử và phần mềm tác nghiệp công tác quản lý đảng viên. Đây là một trong những nội dung đổi mới công tác quản lý, điều hành gắn với thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; tăng cường công tác chuyển đổi số, khai thác triệt để công nghệ số và dữ liệu số hóa với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử.

Chương trình 01 có điểm nhấn xuyên suốt là xây dựng cấp ủy và tổ chức cơ sở Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu; quán triệt quan điểm "dân là gốc"; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Lựa chọn việc khó, tồn tại nhiều năm để tập trung tháo gỡ

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Đỗ Đức Bảo, việc đổi mới phương thức làm việc của các cấp ủy Đảng được Thành ủy tiếp tục coi trọng trong đổi mới tư duy, phong cách, phương pháp lãnh đạo; vừa toàn diện, vừa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng, trúng những vấn đề tập trung chỉ đạo.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn những việc khó, tồn tại từ nhiều năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đô, tạo chuyển biến tích cực cho hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở.

Đặc biệt là việc tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn như các biện pháp xử lý đối với 712 dự án chậm tiến độ; cải tạo chung cư cũ; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; thí điểm một số mô hình như: Mô hình chính quyền đô thị; mô hình thí điểm tổ chức sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố có đông đảng viên theo tổ đảng ở các khu dân cư, khu chung cư và khu đô thị mới… Kết quả bước đầu đạt được những kết quả tích cực, các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản bảo đảm các mục tiêu, mục đích, tiến độ đề ra.

Thành ủy và các cấp ủy Đảng luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trách nhiệm nêu gương của người đúng đầu, phát huy trí tuệ tập thể, trách nhiệm cá nhân, quyết liệt, quyết đoán, bình tĩnh, thận trọng nhưng cũng rất khẩn trương, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng để kịp thời điều chỉnh bất cập, vướng mắc phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố.

Ngoài ra, tăng cường phân công, phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong chỉ đạo, điều hành, việc phân công, phân cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy ngày càng rõ nét và cụ thể hơn, nhất là đối với những lĩnh vực, địa bàn phân công phụ trách, góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy.

Tiêu biểu là nửa nhiệm kỳ qua, Thành ủy tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược liên quan phát triển Thủ đô, những vấn đề cấp bách của Thành phố như: Phòng, chống dịch COVID-19, cải tạo chung cư cũ, vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông; hoàn thành quy hoạch phân khu; phát triển khu công nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy có nhiều cải tiến cách thức tổ chức họp, chế độ giao ban, thảo luận, tăng cường họp trực tuyến, rút ngắn thời gian hội họp; lựa chọn trúng và đúng nội dung đưa ra họp trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và diễn biến tình hình thực tiễn của Đảng bộ Thành phố. Chất lượng các phiên họp ngày càng được nâng cao; tiếp tục duy trì thực hiện nền nếp.

Theo ông Vũ Đức Bảo, các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã tăng cường dành thời gian làm việc, nắm bắt cơ sở, các đơn vị trực thuộc Thành Trung ương để giải quyết; thường xuyên chủ động làm việc với các ban, bộ, ngành gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị và tiếp thu ý kiến của cơ quan Trung ương đối đội với những vấn đề lớn liên quan đến sự phát triển của Thành phố.

Đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo để đưa Thủ đô phát triển bền vững - Ảnh 4.

Kết quả tích cực của Chương trình 01 đến từ việc Thành ủy đã xác định đúng khâu then chốt của then chốt, đó chính là công tác cán bộ - Ảnh: VGP/Minh Anh

Xác định đúng khâu then chốt là công tác tổ chức cán bộ

Ở góc độ địa phương, Bí thư quận ủy Hoàn Kiếm chia sẻ, qua 2 năm triển khai thực hiện Chương trình 01 tại quận đã mang lại kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực góp phần tạo sự chuyển biến trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội quận.

Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành 31/38 nhiệm vụ của 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 nhiệm vụ hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra.

Kinh tế quận tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - thương mại - du lịch; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận hằng năm đều đạt và vượt dự toán được Thành phố giao (Năm 2020 là 10.526 tỷ đồng, đến năm 2022 đạt 14.755 tỷ đồng, tăng 44% so với năm đầu nhiệm kỳ).

Quận đã tạo chuyển biến rõ rệt, nổi bật đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp uỷ tiếp tục được đổi mới về phương pháp, phong cách công tác, lề lối làm việc theo hướng tập trung, sâu sát, kiên quyết, hiệu quả, rõ trách nhiệm.

Trong từng giai đoạn, trên từng lĩnh vực cụ thể, xác định rõ những nội dung "trọng tâm, trọng điểm", những khâu mấu chốt, những vấn đề có nhiều khó khăn, phức tạp để tập trung chỉ đạo thực hiện với những giải pháp cụ thể, tính khả thi cao, đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát cũng như sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, qua đó tạo chuyển biến trên nhiều lĩnh vực.

Ban Thường vụ Quận uỷ chú trọng lãnh đạo nhằm phát huy tốt sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường phân công, phân cấp; đề cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu; tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cán bộ cơ sở; khích lệ động viên đội ngũ cán bộ, công chức, tạo được sự đồng thuận nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là những nhiệm vụ mới, khó khăn và phức tạp.

Còn Bí thư quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, kết quả tích cực của Chương trình 01 đến từ việc Thành ủy đã xác định đúng khâu then chốt của then chốt, đó chính là công tác cán bộ, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành phố đã tổ chức nhiều các lớp đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ Thành phố đến cơ sở; tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý cho Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn; mở các lớp đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị; các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức.

Do đó đã xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp từ Thành phố đến cơ sở cơ bản đảm bảo về số lượng, cơ cấu, chất lượng, bước đầu đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị và Thành phố.

Cùng với việc cử cán bộ tham gia đào tạo bồi dưỡng theo chương trình của Thành phố, quận Tây Hồ cũng đã tiếp thu tinh thần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ đó, bà Lê Thị Thu Hằng chia sẻ kinh nghiệm của quận là phải thực sự quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, có trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp làm việc, kinh nghiệm điều hành và thực thi công vụ thì kết quả tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết các vấn đề dân sinh trực tiếp tại cơ sở mới đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Mỗi cán bộ phải xác định việc học tập vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ; tránh tình trạng học chỉ để chuẩn hóa mà không thiết thực phục vụ cho công việc đang đảm nhận. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức tự học tập và tự lựa chọn chương trình, thời gian tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu công việc và nâng cao năng lực công tác.

Gia Huy

Top